Tiềm ẩn rủi ro khả năng chuyển thành nợ xấu
Các ngân hàng thẩm định khoản vay theo quy định Luật tổ chức tín dụng. Tính đến ngày 31/12/2016 có 20 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông với tổng hạn mức cấp tín dụng là 163.097 tỷ đồng.
Tổng số dư cấp tín dụng là 84.235 tỷ đồng (chiếm 67,48% dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực giao thông), chiếm 1,58% và thấp hơn 1,08 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (18,39%). Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng, nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cam kết cấp tín dụng và dư nợ đến hết năm 2016 vẫn tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã giảm mạnh so với năm 2015. Tỷ trọng dư nợ BOT, BT giao thông trên tổng dư nợ cấp tín dụng ở mức thấp (từ năm 2014 đến nay chỉ dao động từ 1% đến 1,6%).
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ chiếm 0,003%, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro khả năng chuyển thành nợ xấu ở một số dự án chậm tiến độ.
Không có bảo lãnh của Nhà nước
Giai đoạn 2011-2016, các tổ chức tín dụng đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động từ nguồn vốn từ người huy động vào dự án; đóng vai trò quyết định thành công dự án làm thay đổi đáng kể hệ thống kết cấu kết cấu hạ tầng giao thông.
Để hạn chế các rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có hiệu quả để cảnh báo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án có độ rủi ro cao, mặt khác góp phần định hướng tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động cho vay theo dự án BOT giao thông. Định kỳ hàng quý, yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cụ thể hạn mức, chất lượng tín dụng đối với các khoản vay BOT, đã phát hiện các tồn tại và kịp thời chấn chỉnh.
Dự án BOT cầu Hạc Trì bị "vỡ" phương án tài chính nên ngân hàng cũng khốn khổ vì thu nợ
Trong các dự án BOT, BT, quan hệ giữa nhà đầu tư và ngân hàng là quan hệ kinh tế được ràng buộc bởi hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án. việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư và tổ chức tín dụng là các hợp đồng dân sự, Nhà nước không tham gia bảo lãnh. Điều này nghĩa là những rủi ro tín dụng nếu có sẽ không liên quan đến Nhà nước.
Hiện nay, việc thay đổi chính sách của Nhà nước do giảm phí, điều chỉnh lộ trình tăng phí giao thông đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của các tổ chức tín dụng có tài trợ vốn cho các đối tượng dự án, tiềm ẩn rủi ro phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ khi nguồn thu nợ thấp hơn so với phương án tài chính khi phê duyệt dự án.
Trrường hợp xảy ra với dự án BOT cầu Hạc Trì (tỉnh Phú Thọ) là một bằng chứng. Ngân hàng phải cử nhân viên “trực” ở trạm thu phí cầu Hạc Trì (tỉnh Phú Thọ) để thu lãi gốc hàng ngày, nhưng tiền phí thu được cũng không đủ để trả.
Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì bị “vỡ” phương án tài chính khi chỉ đạt doanh thu thu phí hơn 200 triệu đồng mỗi ngày, trong khi đó theo phương án tài chính phải đạt gần 400 triệu đồng/ngày