Tiết lộ 'độc chiêu' Trung Quốc truy bắt quan tham bỏ trốn

Tối 17/4, Văn phòng trung ương truy bắt quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài của Trung Quốc thắp đèn sáng rực. Trên tường, danh sách “100 kẻ bỏ trốn bị truy nã đỏ toàn cầu” được treo ở vị trí nổi bật. 
Danh sách 100 quan tham trốn ra nước ngoài bị truy nã.

Tiểu Chu bỏ ống nghe xuống, thở phào rồi lấy con dấu "đã bị bắt" đóng vào bức ảnh ghi tên Lý Thế Kiều. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Chiết Giang và thành phố Ninh Ba đã bắt được và đưa Lý Thế Kiều, kẻ bị đánh số 75 trong “Danh sách 100” từ Canada về trị tội. 

Tiểu Chu cho biết: “Mỗi khi bắt được ai đưa về đều phải đóng dấu này vào ảnh người đó”. Hiện trong danh sách 100 quan tham bị truy nã, đã có 40 bức ảnh chân dung bị đóng dấu đỏ. Những cái dấu này là bức tranh thu nhỏ của cuộc chiến gian nan truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.

Từ sau Đại hội 18, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra quyết sách lớn, triển khai truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài, thu hồi tang vật.

Tổ điều phối chống tham nhũng trung ương điều hành thống nhất, tiến hành liên tục, coi đó là khâu quan trọng trong cuộc chiến “giữ nghiêm đảng, chống tham nhũng”.

 Đóng dấu lên ảnh một quan tham trốn ra nước ngoài bị bắt.
Tính đến ngày 31/3, Trung Quốc đã truy bắt đưa về nước được 2.873 người bỏ trốn ra hơn 90 quốc gia và khu vực, trong đó có 476 cán bộ nhà nước, truy thu gần 9 tỷ NDT. Trong số 100 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế đã có 40 người bị bắt; số người mới bỏ trốn mỗi năm một giảm.

Tập trung về một mối

Tháng 6/2014, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập Văn phòng trung ương truy bắt quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, gồm 8 đơn vị thành viên: UBKTKLTW, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp, Ngân hàng TW.

Các địa phương cũng thành lập Văn phòng truy bắt quan chức tham nhũng bỏ trốn với 12 đơn vị thành viên.
Nhờ vậy đã hình thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương, nâng cao khả năng phối hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thay đổi tình trạng mỗi nơi mỗi khác trước đây.

Số đơn vị thành viên của Văn phòng nhiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực, có chức năng khác nhau nên đòi hỏi phải có cơ chế điều hành, phối hợp hợp lý.

Văn phòng thường xuyên tổ chức hội nghị phối hợp đánh án để bàn giải quyết những khó khăn và vấn đề phát sinh. Năm 2016, Văn phòng đã họp hơn 150 lần.

Để nắm chắc thông tin về quan tham bỏ trốn, Văn phòng đã xây dựng 2 mạng lưới thu thập thông tin. Từ trung ương tới cấp huyện đều có kho dữ liệu về những kẻ chạy trốn, luôn được cập nhật. Diễn đàn tố giác tiếp nhận mọi thông tin của công chúng trong, ngoài nước, giúp việc truy bắt hiệu quả.

Triển khai các hành động Lưới trời

Ngày 7/3, Văn phòng trung ương trên tuyên bố khởi động hành động Lưới trời 2017. Đây là năm thứ ba liên tiếp, hành động này được triển khai.

Kết quả đạt được trong những hành động trước đều rất khả quan. Hành động Lưới trời được tiến hành như sau:

Bộ Công an đi đầu triển khai “săn cáo”, truy bắt những nghi phạm phạm tội chức vụ và nghi phạm trọng yếu trong các vụ án tham nhũng.

Viện Kiểm sát tối cao đi đầu tiến hành hành động chuyên đề truy bắt truy thu quốc tế đối với các vụ án phạm tội chức vụ; trọng điểm là truy bắt nghi phạm trốn ở nước ngoài.

Ngân hàng Trung ương và Bộ An ninh Quốc gia triển khai đánh các ngân hàng ngầm chuyển tiền ra nước ngoài, trọng điểm là các ngân hàng ngầm hoạt động phi pháp, lợi dụng các công ty ở hải ngoại, tài khoản phi cư dân để tiến hành chuyển tiền tang vật ra ngoài.

 Văn phòng trung ương truy bắt quan tham bỏ trốn.
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Bộ Công an triển khai chuyên đề đánh hoạt động cấp visa xuất nhập cảnh trái quy định; trọng điểm là điều tra xử lý những cán bộ lãnh đạo làm hộ chiếu, visa trái quy định, truy cứu trách nhiệm các cá nhân đơn vị vi phạm.

Căn cứ tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn, hành động Lưới trời mỗi năm đều có sự điều chỉnh. Hành động năm nay tăng thêm nội dung thu hồi tang vật, thu nhập trái pháp luật của các nghi phạm, bị cáo.

Tòa án tối cao đồng ý để Viện Kiểm sát tối cao và Bộ Công an triển khai tập trung thời gian và lực lượng tiến hành một đợt truy thu tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Bủa lưới toàn diện, đánh bắt trọng điểm

Tháng 4/2015, Trung tâm Cảnh sát quốc tế Trung Quốc đã thu thập, công bố bản “Danh sách 100 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế”, với những cái tên Dương Tú Châu, Lý Hoa Ba, Kiều Kiến Quân, Diêm Vĩnh Minh… Nhiều nghi phạm phạm tội đã lâu, liên quan số tiền rất lớn lần lượt xuất hiện trên bảng.

Việc công khai danh tính 100 quan tham bỏ trốn vừa là đòn trấn áp những kẻ tham nhũng bỏ trốn, vừa tự gây áp lực nội bộ để tập trung ưu thế, dốc sức đột phá các vụ trọng điểm. Hiện nay, biện pháp truy bắt gồm 4 cách chính: dẫn độ, trao trả di dân trái phép, truy tố ở nước ngoài và khuyên về.

 Dương Tú Châu
Về dẫn độ, đến tháng 1/2017, Trung Quốc đã ký hiệp định dẫn độ với 48 nước, trong đó có cả Pháp, Tây Ban Nha, Italia… Ngày 17/7/2016, nghi phạm Hoàng Hải Dũng bị dẫn độ từ Peru về Trung Quốc. Đây là vụ dẫn độ nghi phạm đầu tiên từ một quốc gia Mỹ Latinh và cũng là vụ dẫn độ phức tạp nhất kể từ 1949.

Về trao trả di dân bất hợp pháp, tháng 9/2015, Dương Tiến Quân (em trai Dương Tú Châu, người số 1 trong Danh sách 100) bị phía Mỹ cưỡng chế về Trung Quốc. Đây là nghi phạm trong vụ án tham nhũng đầu tiên được Mỹ cưỡng chế bàn giao cho Trung Quốc.

Truy tố ở nước khác là cách cung cấp chứng cứ phạm tội của đối tượng để quốc gia sở tại tiến hành thủ tục tố tụng, khiến kẻ bỏ trốn bị pháp luật trừng trị.

Khuyên về là biện pháp thông qua giáo dục, thuyết phục nghi phạm bỏ trốn để họ tự về nước chịu sự xử lý của pháp luật. Trong số 40 người trong “Danh sách 100” đã sa lưới, số “khuyên về” chiếm đại đa số, như Dương Tú Châu, Diêm Vĩnh Minh, Tăng Tử Hằng…

Truy bắt và truy thu là hai mặt của một vấn đề, bắt được người về thì cũng phải thu lại được tiền. Đó là công việc rất khó khăn, phức tạp. Ngày 12/11/2016, nhờ sự phối hợp với Singapore, Diêm Vĩnh Minh đã về nước tự thú sau 15 năm bỏ trốn, mang theo toàn bộ tang vật, thu hồi lại được 329 triệu NDT.

Bên cạnh việc giăng “lưới trời” ngoài nước, Trung Quốc cũng lập cơ chế phòng ngừa quan tham trong nước bỏ trốn.

Về người, chủ yếu là thanh lọc các trường hợp quan chức đưa vợ con ra nước ngoài, quản lý chặt hộ chiếu và chế độ phê duyệt xuất nhập cảnh. Về tiền, tăng cường công tác chống rửa tiền và quản lý ngoại hối, chặn đứng mọi ngả đường chuyển tiền ra ngoài.

Về “chứng”, Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương tiến hành chấn chỉnh hoạt động xuất nhập cảnh về việc riêng, thanh tra, kiểm tra các khâu phê duyệt, quản lý xuất nhập cảnh, truy cứu trách nhiệm những người liên quan.

Do siết chặt 3 mặt trên nên số quan chức bỏ trốn mới mỗi năm một giảm: năm 2014 trốn 101 người, 2015 trốn 31 người, năm 2016 chỉ còn 19 người.

Hợp tác chống tham nhũng quốc tế

Từ tháng 2-4/2017, liên tiếp 3 nghi phạm trong “Danh sách 100” là Vương Kiến Thành, Vương Giai Triết, Lý Thế Kiều lần lượt về nước tự thú… Đằng sau những thành quả đó là sự hình thành mạng lưới hợp tác quốc tế chống tham nhũng.

 Lý Thế Kiều
Năm 2014, Trung Quốc tổ chức Hội nghị APEC chống tham nhũng, thông qua Tuyên bố Bắc Kinh chống tham nhũng. Năm 2016, Trung Quốc triệu tập Hội nghị G20 chống tham nhũng, soạn thảo để thông qua “Nguyên tắc của cấp cao G20 về truy bắt tội phạm tham nhũng”, “Kế hoạch hành động chống tham nhũng 2017-2018 của G20”, biến Tuyên bố Bắc Kinh thành hành động thực tế.

Ngày 23/9/2016, Trung tâm truy bắt quan chức tham nhũng bỏ trốn của G20 được thành lập ở Bắc Kinh. Đây là cơ quan quan trọng đầu tiên trong lĩnh vực này hướng tới các nước thành viên….

Ngoài việc hợp tác đa phương trên, Văn phòng cũng đẩy mạnh hợp tác song phương, thúc đẩy xây dựng cơ chế hợp tác với Mỹ, Canada, Australia…

Tuy Trung Quốc và Mỹ chưa có hiệp định dẫn độ, nhưng từ năm 2005 đã lập ra Tổ công tác hợp tác tư pháp chống tham nhũng và hoạt động có hiệu quả. Các vụ trọng án Dương Tú Châu, Hoàng Ngọc Vinh, Vương Quốc Cường được phá là do hoạt động của tổ công tác này.

Trung Quốc và Canada cũng lập ra cơ chế hợp tác tư pháp. Từ 2016 đến nay 6 nghi phạm trong “Danh sách 100” đã từ Canada về quy án.

Ngoài ra, hợp tác tư pháp giữa Trung Quốc và Anh, Australia, New Zealand cũng tiến triển tích cực. Qua nỗ lực, hiện Trung Quốc đã hình hành mạng lưới hợp tác quốc tế truy bắt tội phạm bỏ trốn, hình thành nên “Thiên la địa võng”.

Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục