Tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn tăng mạnh

(ĐTCK) Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm thêm 0,5% đối với trần lãi suất huy động, nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng trưởng ổn định.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Ông Nguyễn Hoàng Minh

> Vẫn cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng

> Tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn lợi nhất

Xin ông cho biết, tình hình huy động vốn tiền đồng của ngân hàng trên địa bàn Thành phố sau khi NHNN giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 điểm phần trăm đối với tiền đồng và 0,75 điểm phần trăm với USD?

Lãi suất huy động tiết kiệm được điều chỉnh về mức 7%/năm trong bối cảnh hiện nay cũng là phù hợp. CPI 6 tháng đầu năm đã được kiểm soát và lạm phát kỳ vọng cả năm nay được các chuyên gia dự báo cũng chỉ ở mức 6,5 - 6,8%, thì việc giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 điểm phần trăm vừa qua cũng không ảnh hưởng đến nguồn tiết kiệm. Ngược lại, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn ổn định, thậm chí còn tăng.

6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tăng gần 6%. Trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản đều trầm lắng, thì gửi tiết kiệm với lãi suất 7%/năm vẫn được nhiều người lựa chọn.

Đối với lãi suất ngoại tệ, trần lãi suất giảm về 1,25%/năm đối với khách hàng cá nhân và còn 0,5%/năm đối với doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế cho tiền đồng, hạn chế chuyển đổi tiền đồng sang USD, vì lãi suất VND cao hơn nhiều so với lãi suất USD.

 

Tiết kiệm bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố hiện nay thế nào, thưa ông?

Vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh, do lãi suất VND cao hơn nhiều so với USD, nhưng gần đây, tình hình này đã có dấu hiệu được cải thiện. Cụ thể, tháng 4, tăng trưởng đối với tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn âm 8%, nhưng tiến độ giảm bắt đầu chậm lại kể từ tháng 5 và 6. Nguyên nhân do chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng không còn quá lớn như trước đây. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động bằng tiền đồng vẫn luôn tăng trưởng tốt hơn so với USD.

 

Liệu lãi suất đầu vào có thể giảm thêm để ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, thưa ông?

Như đã nói ở trên, theo các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô gần đây, khả năng lạm phát trong năm nay sẽ được kiểm soát ở mức 6,5 - 6,8%. Như vậy, lãi suất huy động sẽ còn dư địa để điều chỉnh. Tuy nhiên, theo tôi, nếu trần lãi suất huy động  giảm xuống quá sâu, người gửi tiền có thể cân nhắc chọn kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Trên thực tế, việc giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại nhà nước vừa qua cũng chỉ rơi vào kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng. Điều này cho thấy, các ngân hàng cũng chỉ muốn cơ cấu lại kỳ hạn huy động, điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn, chứ chưa thể giảm sâu đồng loạt.

 

Lãi suất cho vay thực tế đã giảm, song các ngân hàng vẫn không thể giải ngân?

Lãi suất chỉ là một phần trong cấu thành chi phí hoạt động, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là sức mua, thị trường. Nếu sức mua yếu, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không thể tiêu thụ được, khiến hàng tồn kho tăng, thì việc giảm lãi suất cũng chưa hẳn kích thích được doanh nghiệp vay vốn.

Mặt khác, cái khó của doanh nghiệp trong việc vay vốn hiện nay là phải có tài sản đảm bảo. Trước áp lực hàng tồn kho tăng, các doanh nghiệp đã cạn tài sản để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ với các doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hiện các ngân hàng cũng đã chấp nhận cho doanh nghiệp thế chấp bằng dòng tiền bán hàng khi có nhu cầu vay vốn, thay vì bắt buộc phải có tài sản thế chấp là bất động sản như trước đây.

Tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn tăng mạnh ảnh 1

6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tăng gần 6%

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà NHNN đưa ra năm nay liệu có đạt được, thưa ông?

6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng chỉ khoảng 3,3%. Vì vậy, các ngân hàng đang chủ động đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình ưu đãi tín dụng, nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà băng cũng đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhất là đối với tín dụng mua nhà để ở. Cụ thể, với gói vốn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà lãi suất 6%/năm, đến thời điểm này, trên địa bàn TP. HCM đã có 19 hợp đồng tín dụng được ký và giải ngân, gồm 18 khách hàng cá nhân và một doanh nghiệp. Trong đó, tổng hạn mức được giải ngân cho 18 cá nhân vào khoảng 12 tỷ đồng, bình quân mỗi khách hàng được vay 660 triệu đồng; một doanh nghiệp được giải ngân 540 tỷ đồng.

Vì thế, dù dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm còn tăng trưởng ở mức thấp, nhưng theo tôi, sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới và mục tiêu 12% cho cả năm nay cũng có thể đạt được.

Thùy Vinh thực hiện
Thùy Vinh thực hiện

Tin cùng chuyên mục