Tiếp tục trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Trong chương trình bổ sung, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét và thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Khoảng 1.017 doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Khoảng 1.017 doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Cấp thiết có nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu

Vì tính cấp bách của vấn đề, Quốc hội đã quyết định bổ sung vào chương trình làm việc của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV việc xem xét và thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Ban đầu, việc này được đưa ra khỏi chương trình của Kỳ họp.

Dự kiến sáng mai (10/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ thay mặt Chính phủ trình bày Dự thảo Nghị quyết.

Theo Dự thảo Nghị quyết đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; cũng như hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Quan điểm nhất quán đã được chỉ ra là, Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Cùng với đó, do thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng, nên cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết vì thế, nhằm mục đích chính là xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT)).

Điều này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Nhà nước để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế…

Việc Việt Nam dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, đồng thời áp thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được cho là bước đi cần thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng đầu tư nước ngoài.

Báo cáo đánh giá tác động Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cho thấy, hiện nay, có 619 tập đoàn đa quốc gia (khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên, trong đó có 438 tập đoàn có một công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên). Đây chính là các doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ có thể được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng. Trong đó, riêng số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 lên tới hơn 10.700 tỷ đồng.

Như vậy, nếu việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và QDMTT được thông qua, Việt Nam có cơ hội thu thêm một nguồn lực không nhỏ. Nguồn thuế bổ sung này, nếu không nộp ở Việt Nam, thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải nộp về chính quốc.

Không chỉ với dòng đầu tư từ nước ngoài, mà với các khoản đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam cũng có cơ hội thu thuế bổ sung, nếu các nước nhận đầu tư của Việt Nam không áp dụng QDMTT.

Theo rà soát của Bộ Tài chính, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) từ năm 2024 thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng. Theo đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được nếu áp dụng quy định IIR năm 2024 dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng.

Cần sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung

Liên quan đến nội dung này, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

“Việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.

Ủy ban cũng đã đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng tình với việc ban hành nghị quyết này một cách đơn lẻ; có ý kiến đề nghị sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung, để giữ chân các nhà đầu tư cũ và tránh các hệ luỵ rất lớn nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục