Tiếp tục tranh cãi quanh dự án Rusalka

Dự án đầy tai tiếng Rusalka ở Khánh Hòa một lần nữa lại… tai tiếng, khi các bên liên quan không thống nhất được cách xử lý.
Dự án Rusalka hiện vẫn đang phơi mưa phơi nắng
Dự án Rusalka hiện vẫn đang phơi mưa phơi nắng

Sự việc bắt đầu tư năm 2000 khi Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị được cấp giấy phép đầu tư dự án Rusalka (Nàng tiên cá) trên diện tích 43,5 ha tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.

Để triển khai dự án này, RIT đã thuê Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (BMC) làm chủ thầu xây dựng dự án.

Rắc rối nảy sinh khi vào giữa năm 2005, ông Nguyễn Đức Chi bị bắt, sau đó bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “sử dụng trái phép tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Cùng với đó, đất đai và tài sản của dự án trên đã bị kê biên.

Gần đây, sau khi được tự do, ông Chi xin tiếp tục đầu tư dự án Rusalka. Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tìm nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án Rusalka như dự án mới, để tiếp tục đầu tư trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ.

Tiếp đó, ông Nguyễn Đức Chi đã đề nghị thành lập CTCP Du lịch trọng điểm Nha Trang để tiếp tục thực hiện dự án với tên gọi khu nghỉ dưỡng Champarama.

Tuy nhiên, mới đây, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa và ông Nguyễn Đức Chi có thông báo thanh lý dự án Rusalka, Công ty BMC đã làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp việc thanh lý dự án này, do lo ngại không đòi lại được số tiền đã tạm ứng vào việc xây dựng dự án.

Theo BMC, với tư cách là nhà thầu chính, tính đến đầu năm 2005, công ty này đã đầu tư xây dựng tại dự án với số vốn hơn 73 tỷ đồng, nhưng RIT chỉ mới trả 3,5 tỷ đồng. Đến nay, tất cả công trình tại Rusalka chưa tổng nghiệm thu toàn bộ và vẫn do BMC quản lý, bảo quản.

Công ty BMC cũng cho rằng khi ông Nguyễn Đức Chi bị phạt tù, RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư, thì xem như dự án đã “giải thể một cách hợp pháp”. Dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên giá trị của dự án chỉ là những công trình đang có trên đó, và với tư cách là đơn vị trực tiếp bỏ vốn xây dựng, tất cả những công trình do BMC xây dựng tại đây phải thuộc quyền sở hữu của BMC.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng tài sản mà BMC và các nhà thầu thực hiện theo hợp đồng xây lắp trong dự án Rusalka là thuộc quyền sở hữu của RIT và nằm trong tài sản thế chấp giữa RIT với ngân hàng. BMC chỉ sở hữu khoản công nợ với RIT, khoản công nợ này đã được hai bên thỏa thuận tính lãi.

Một bản kiến nghị dày hơn 10 trang đã được BMC gửi Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh rằng BMC có đủ căn cứ để yêu cầu RIT thanh toán khoản nợ hơn 275 tỷ đồng, gồm tài sản cố định (hơn 69 tỷ đồng), lãi, lãi phát sinh, phạt vi phạm hợp đồng...

Còn ông Nguyễn Đức Chi thì cho rằng, nghĩa vụ của RIT đối với các nhà thầu chỉ tính được tới thời điểm RIT bị chấm dứt hoạt động. Công nợ của RIT với BMC đã được các bên ký biên bản đối chiếu vào tháng 5/2005 là 54 tỷ đồng cộng lãi thỏa thuận 1,3%/tháng. Thời gian tính lãi thực hiện từ tháng 5/2005 cho tới thời điểm RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư tháng 10/2006.

Trong kiến nghị của mình, BMC đã nhấn mạnh rằng nếu giao dự án cho Công ty Cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang, pháp nhân mới được thành lập để “tiếp quản” dự án Rusalka, thì sẽ “không có thuận lợi nào cho Nhà nước”.

Thậm chí, theo BMC, pháp nhân mới này không đáng tin cậy vì “bề dày kinh nghiệm bằng không”, tài chính “tù mù”, mọi năng lực khác “chưa kiểm chứng được” và “nếu giao dự án cho pháp nhân nói trên thì có dẫn đến “một lần nữa đưa dự án vào chỗ bế tắc”.

Chưa rõ, UNBD tỉnh Khánh Hòa sẽ xử lý thế nào trước tình huống “có một không hai” này?


VNE

Tin cùng chuyên mục