Tiếp tục rà soát số liệu tăng trưởng các địa phương

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, năm nay, ngành thống kê tiếp tục rà soát số liệu tổng sản phẩm của các địa phương (GRDP), nhằm khắc phục chênh lệch số liệu tổng sản phẩm trong nước giữa Trung ương và địa phương.

Tổng cục Thống kê đã hoàn tất việc rà soát, tính toán số liệu GRDP năm 2010 và 2011. Kết quả thế nào, thưa ông?

Trước sự bất cập về chênh lệch số liệu giữa GDP và GRDP, năm 2010, Tổng cục Thống kê đã triển khai Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu tổng sản phẩm trong nước giữa Trung ương và địa phương”. Sau 3 năm thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy, chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương đã thu hẹp lại, một số địa phương đã tính toán lại số liệu GRDP sát với thực tế sản xuất, kinh doanh hơn.

Trong năm 2013, chúng tôi đã chọn 5 địa phương để trực tiếp rà soát, tính toán lại số liệu GRDP, 58 tỉnh, thành phố còn lại thì giao cho Cục Thống kê tỉnh, thành phố tự rà soát báo cáo Tổng cục để kiểm tra. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, sau rà soát, số liệu GRDP vẫn giữ nguyên kết quả như trước khi rà soát, nên sau khi tính toán lại, thì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của các địa phương vẫn là 11,51% - thấp hơn đôi chút so với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân theo nghị quyết của HĐND 63 tỉnh, thành phố năm 2011 là 12,9%.

Nhìn vào con số tăng trưởng GRDP bình quân 11,51% và tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2011 chỉ có 5,89% đã có thể thấy, việc tính toán chưa thực sự chính xác, thậm chí vẫn còn bất cập.

Thưa ông, qua rà soát lại, bất cập phổ biến trong tính toán GRDP nổi lên là gì?

Tại không ít địa phương, tốc độ tăng giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, tốc độ tăng sản phẩm và các chỉ tiêu liên quan rất vô lý khiến một số ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm quá cao, dẫn đến mâu thuẫn với các chỉ tiêu liên quan, như vốn đầu tư thực hiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chi ngân sách thường xuyên…

Có địa phương, giá trị sản phẩm thuốc lá tăng 6%, trong khi khối lượng sản phẩm thuốc lá chỉ tăng 0,6%. Hay như ngành khai khoáng của một địa phương năm 2011 có giá trị tăng thêm tăng 23,2% so với năm 2010, trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành khai khoáng chỉ tăng 8%...

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của các địa phương. Theo ông, liệu có nguyên nhân của “bệnh thành tích”?

Việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương đúng là chịu nhiều sự chi phối của mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đã được Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và nghị quyết HĐND, UBND cùng cấp đề ra. Hầu hết chỉ tiêu tăng trưởng GRDP được cấp tỉnh thông qua đều khá cao so với thực tế có thể thực hiện được.

Có thực tế là, một số địa phương lúc đầu tính GRDP sát với thực trạng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, nhưng lại thấp hơn so với các địa phương khác trong vùng khiến lãnh đạo địa phương không hài lòng, nên đã yêu cầu cơ quan thống kê địa phương phải… tính lại cho “chuẩn”.

Ngoài nguyên nhân kể trên, theo ông, sự vênh nhau giữa GDP và GRDP còn có những nguyên nhân nào khác?

Còn có nguyên nhân tính trùng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty “đóng đại bản doanh” ở địa phương này, nhưng có nhiều chi nhánh, công ty thành viên đóng ở các địa phương khác. Cụ thể, địa phương mà tập đoàn, tổng công ty đóng trụ sở chính đã tính toàn bộ kết quả hoạt động của toàn bộ tập đoàn, tổng công ty vào GRDP của mình, mà không loại trừ công ty, chi nhánh hoạt động ở địa phương khác. Trong khi đó, các địa phương khác cũng tính kết quả hoạt động của công ty, chi nhánh của tập đoàn, tổng công ty trên địa phương mình vào GRDP của mình. Do tính trùng, nên kết quả khi cộng GRDP của các địa phương trong cả nước lại lớn hơn thực tế, tạo ra sự chênh lệch với GDP.

Số liệu tăng trưởng kinh tế vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng, tác động đến việc hoạch định chính sách, bảo đảm các cán cân kinh tế vĩ mô. Để khắc phục sự vênh nhau giữa GDP và GRDP, ngành thống kê sẽ làm gì, thưa ông?

Năm nay, chúng tôi tiếp tục rà soát, tính toán lại số liệu GRDP của năm 2012 và năm 2013 để có được dãy số liệu GRDP phục vụ cho việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh sắp tới. Đồng thời, xây dựng Đề án “Chuyển đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu GRDP” báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành để từ năm 2016 trở đi, việc tính toán và công bố số liệu GRDP và GDP sẽ do Tổng cục Thống kê chủ trì, trực tiếp thực hiện.

Để bảo đảm khách quan, chính xác và khắc phục việc tính trùng, các cục thống kê địa phương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thu thập thông tin đầu vào phục vụ tính giá trị sản xuất của khối doanh nghiệp, đơn vị hành chính - sự nghiệp và cơ sở/hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Còn các vụ thuộc Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tổ chức, thu thập thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hạch toán toàn ngành và các lĩnh vực đặc thù (ngoại giao, an ninh - quốc phòng), thuế nhập khẩu để tính và phân bổ cho các địa phương.

Mạnh Bôn (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục