Tiếp tục “nhắc nhở” việc phân phối bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý mới có công văn khuyến cáo về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nói chung và sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nói riêng.
Hoạt động phân phối bảo hiểm tiếp tục được kiểm soát chặt Hoạt động phân phối bảo hiểm tiếp tục được kiểm soát chặt

Nhiều lưu ý

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khuyến cáo về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Thực tế, việc khuyến nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng là 2 nội dung không phải quá mới.

Trong khi đó, vấn đề ngân hàng nên ký độc quyền hay bán sản phẩm cho nhiều công ty bảo hiểm cùng lúc còn nhiều ý kiến trái chiều và ở một số thị trường như Hàn Quốc không có việc bán độc quyền, mà ngân hàng bán sản phẩm cho nhiều nhà bảo hiểm để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng lựa chọn cho khách hàng. Hay như việc nhân viên công ty bảo hiểm có mặt ở ngân hàng và tư vấn trực tiếp cho khách mua bảo hiểm cũng từng được triển khai rộng rãi trước khi hình thức ký kết độc quyền ngân hàng bảo hiểm nở rộ như hiện nay.

Cụ thể, tại Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các nghị định liên quan. Trong đó, cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm: Nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp cho khách hàng.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cũng bị nghiêm cấm.

Công văn cũng nêu rõ, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc/giám đốc và trưởng ban kiểm soát của tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trên.

Trước đó, hồi đầu tháng 10/2023, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước đã ký quy chế phối hợp công tác giữa 2 cơ quan. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, đây là dấu mốc quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan quản lý chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện quy chế, chức năng nhiệm vụ được giao; rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm…

Kỳ vọng hồi phục từ cuối quý II/2024

Liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định về kinh doanh bảo hiểm ở những bước cuối cùng. Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính bổ sung một số quy định nhằm tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động đại lý, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm soát hoạt động đại lý. Chẳng hạn, yêu cầu ghi âm quá trình tư vấn đối với các sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm liên kết đầu tư; sửa đổi các giới hạn đối với các khoản chi phí hoa hồng, bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm hướng đại lý tới việc chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm...

Ngoài ra, từ tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu cao từ hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, hiện tại, quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã chặt chẽ hơn, đặc biệt là việc phân phối bảo hiểm qua kênh bancassurance. Đây là thay đổi mang tính tích cực, không chỉ hướng đến cải thiện chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn yêu cầu tập trung hơn vào việc bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong tháng 9/2023, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí mới qua kênh bancassurance giảm mạnh nhất với mức giảm gần 60%, kênh đại lý (Agency) giảm hơn 51% và các kênh khác giảm khoảng 40%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về tình hình thị trường quý cuối năm 2023, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong tốp 10 thị phần doanh thu nói rằng, sẽ chưa có nhiều khả quan, cho dù tình hình 9 tháng đầu năm nay “có đỡ hơn một chút”, đặc biệt là việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý. Dẫu vậy, theo vị này, với việc hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn và các công ty bảo hiểm đang cố gắng củng cố lại quy trình bán hàng, tập trung vào chất lượng, trải nghiệm khách hàng, kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục dần từ cuối quý II/2024.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục