Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang ấm dần lên là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này, nhất là ở phân khúc cá nhân mua nhà để ở. Nhưng vì là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nên dòng tín dụng vào bất động sản sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nợ xấu gia tăng.
Tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ trong 10 tháng qua đạt 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ là 7,7% Tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ trong 10 tháng qua đạt 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ là 7,7%

Vốn cho vay bất động sản đang giảm dần…

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 10 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ đạt 6,5% (dư nợ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng), trong khi con số cùng kỳ 2016 là 7,7%.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, tuy tín dụng vào bất động sản đã giảm, nhưng trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ khó có thể thoải mái cho vay bất động sản, bởi NHNN đã đưa ra nhiều giới hạn. Điều này buộc các ngân hàng phải cân nhắc, lựa chọn, dành vốn cho các dự án tốt.

Cụ thể, NHNN đã tăng hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng bất động sản từ 150% lên 200% và thời gian tới tiếp tục tăng lên 250%, đồng thời giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống 50% như hiện tại và sắp tới sẽ giảm xuống 45% (theo kế hoạch, tỷ lệ này sẽ được giảm về 40%).

“Ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/2017 yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, cho vay có bảo đảm bằng bất động sản, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, hướng tín dụng bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân”, ông Hưng nói. 

… nhưng việc kiểm soát vẫn là thách thức

Thời gian qua, các ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc rót vốn vào bất động sản, bởi nợ xấu trong quá khứ ở lĩnh vực này đến nay vẫn chưa thể xử lý hết.

Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại vẫn có một lượng vốn không nhỏ tiếp tục được đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao này và có thể dẫn đến “bong bóng” bất động sản. Bởi trước đây, đa số ngân hàng thương mại đều tham gia cho vay mua nhà và tài trợ các dự án bất động sản. Nói như một chuyên gia trong ngành rằng: “Hầu như doanh nghiệp đầu tư bất động sản nào cũng có một ngân hàng đứng sau tài trợ vốn”.

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia Kinh tế - tài chính, việc một dự án bất động sản được vay vốn của ngân hàng, đồng thời người mua nhà tại dự án này cũng được ngân hàng ”bơm” vốn là phổ biến.

“Với thực tế này, các ngân hàng khó có thể kiểm soát được dòng tiền tín dụng của mình một cách chặt chẽ. Đó là chưa kể, với đà tăng trưởng ấn tượng của tín dụng ngân hàng từ đầu năm đến nay, đặc biệt khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng được nâng lên 21-22% thay vì 16-18% như kế hoạch ban đầu, dòng tiền của các ngân hàng thương mại chảy vào thị trường bất động sản được dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới”, ông Lịch nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngăn được dòng vốn tín dụng vào bất động sản trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng dư nợ được nâng lên là một thách thức lớn. Do đó, cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu, từ đó hạn chế tình trạng “bong bóng” tín dụng bất động sản.

“Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất yếu, khi vốn đầu tư công 9 tháng qua mới giải ngân được hơn 46%. Nếu bơm vốn ra mà hấp thụ không tốt sẽ làm méo mó dòng vốn, đồng thời khó tránh được nguy cơ nợ xấu”, ông Thiên cảnh báo.

Không ít ý kiến cho rằng, sự lo ngại này là không thừa, bởi thực tế, sự thất thường của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng”. Hơn nữa, tuy vốn tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng có giảm, nhưng mặt khác, các ngân hàng lại chú trọng nhiều hơn đến cho vay để mua, sửa chữa nhà cửa... qua kênh tín dụng tiêu dùng. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục