Tại Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” được tổ chức ngày 19/11 trong khuôn khổ Chương trình “Ngày không tiền mặt” Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Cụ thể, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định Thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng sửa đổi bổ sung các thông tư, hướng dẫn Nghị định, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đồng thời, ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, an ninh, an toàn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ trong nhiều năm qua, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch Covid-19.
Thống đốc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Về khía cạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.
“Đến nay, với ứng dụng mobile banking, ví điện tử trên điện thoại di động và việc tạo lập, mở rộng hệ sinh thái số của các ngân hàng, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần thực hiện chuyển tiền, vấn tin mà giờ đây có thể dùng dịch vụ này để thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng ngày, cả trực tuyến, lẫn trực tiếp”, Thống đốc nói.
Cũng theo Thống đốc, nhiều phương thức giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng.
“Những cố gắng đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam”, Thống đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh sự kiện |
Còn theo khảo sát gần đây của hãng tư vấn McKinsey, người dùng Việt Nam được đánh giá có mức độ chấp nhận ngân hàng số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng 41 điểm phần trăm và đạt 82% trong năm 2021.
Thống đốc cho biết thêm, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công, tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỉ đồng.
Tính cả năm 2020, con số này sẽ lên tới hơn 2000 tỷ đồng. Theo thống kê của NHNN, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...
Trong đó, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông suốt, an toàn;
Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
Về định hướng công tác truyền thông - giáo dục tài chính thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ đó, thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) trình bày tại sự kiện |
Mục tiêu là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nội dung truyền thông sẽ tiếp tục đề cập đến các tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán… Hình thức truyền thông sẽ ngày càng sáng tạo, phong phú, đổi mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0…
Trong khuôn khổ hội thảo “Ngày không tiền mặt 2021” do báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông NHNN tổ chức, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng 13 Ngân hàng, công ty tài chính ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.
Các ngân hàng và công ty tài chính tham gia ký kết gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, Viet Bank và công ty tài chính VietCredit.
Theo đó, NAPAS và các Ngân hàng, Công ty tài chính thống nhất thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Các hoạt động cụ thể được các Ngân hàng, công ty tài chính triển khai gồm xây dựng các chương trình ưu đãi phát hành thẻ tín dụng nội địa; chính sách phê duyệt và cấp tín dụng linh hoạt, thuận tiện nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm qua đó gia tăng số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ cập kiến thức, kỹ năng nhằm tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán thường xuyên.
Về phía NAPAS, Công ty sẽ xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ ngân hàng, công ty tài chính cũng như đảm bảo nguồn lực về hệ thống kỹ thuật, nhân sự triển khai các hoạt động thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.