Tiếp tục “ép sân”, buộc Facebook, Google đóng thuế

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp xuyên biên giới đã chịu đóng thuế nhà thầu, nhưng chưa đủ…
Tiếp tục “ép sân”, buộc Facebook, Google đóng thuế

Mới chỉ thu được “phần nổi của tảng băng chìm”

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã kê khai và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam 5.111 tỷ đồng. Trong đó, Facebook nộp 1.965 tỷ đồng, Google 1.902 tỷ đồng và Microsoft nộp 651 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, số thuế này được thực hiện thông qua các tổ chức tại Việt Nam, tức là thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài, với số thu bình quân trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, gồm 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Tuy nhiên, khoản tiền thuế thu được từ Facebook, Google… từ trước tới nay chủ yếu do các đại lý quảng cáo của những nền tảng xuyên biên giới này tại Việt Nam đóng thay khoản thuế nhà thầu 10%, còn khoản doanh thu khổng lồ mà Facebook, Google thu trực tiếp từ khách hàng ở Việt Nam thì lâu nay chưa đóng thuế. Ước tính, ngành thuế vẫn thất thu khoảng 85% số thuế phải thu từ Google, Facebook.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đây là một lĩnh vực rất mới và khó, bởi máy chủ đặt ở nước ngoài và người mua thanh toán nhiều bằng tiền mặt. Vì vậy, chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử.

Tiếp tục “ép sân”…

Trước hiện trạng trên, tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã thiết lập Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, quy định mức thu cụ thể. Đồng thời, thông báo, vận động, giải thích để các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể đăng ký để nộp thuế.

Theo đó, đối với các tập đoàn công nghệ có thương hiệu như YouTube, Google, Microsoft... có thể đăng ký nộp thuế đầy đủ theo đúng quy định. Nhưng các giao dịch riêng lẻ trên Facebook hoặc trên Zalo thanh toán bằng tiền mặt... vẫn gây thất thu rất lớn.

Trước đó, Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định rõ, các nền tảng như Facebook, Google, YouTube... mặc dù không có cơ sở tại Việt Nam, nhưng hoạt động qua thương mại điện tử tại Việt Nam phải đăng ký thuế, khai thuế và nộp các nghĩa vụ thuế.

Trong một động thái khác, Meta - công ty mẹ của Facebook cho biết, từ ngày 1/6/2022, khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên Facebook phải đóng thuế giá trị gia tăng 5% và số tiền này sẽ được Facebook đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam. Cũng từ tháng 6/2022, YouTube đã bắt buộc các nhà phát triển nội dung kiếm tiền trên nền tảng này ở ngoài nước Mỹ phải kê khai thông tin thuế và sẽ bị thu khoản thuế nhà thầu, trong đó có các YouTuber tại Việt Nam.

Nhận xét về các động thái này, bà Lê Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thuế Hà Nội cho rằng, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của Facebook không biết hoặc ngại thực hiện các thủ tục khai thuế, nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp tự chạy quảng cáo. Cá nhân chạy quảng cáo thì hầu như không thực hiện khai thuế, dẫn đến việc nhà nước thất thu thuế rất nhiều. Bản chất của việc thay đổi chính sách này của Facebook là không làm tăng chi phí của người sử dụng dịch vụ, mà chỉ thay đổi từ “các cá nhân, tổ chức có hoạt động giao dịch” sang cho đơn vị đầu mối là Facebook.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định, nghĩa vụ nộp thuế là của nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, do Việt Nam thiếu cơ chế, nên nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã thu tiền sử dụng dịch vụ của khách hàng cá nhân ở Việt Nam, nhưng không nộp thuế đối với phần doanh thu bán dịch vụ, sản phẩm bán cho cá nhân.

Có thể thấy, việc Facebook, Google thúc đẩy việc đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực. Tất nhiên, họ mới chỉ chịu đóng thuế nhà thầu, mà về bản chất thì thuế nhà thầu là do phía doanh nghiệp Việt Nam đóng, các khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp xuyên biên giới vẫn chưa chịu thực hiện. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của Việt Nam.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục