
Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể.
Trong đó chính sách thứ 6 là thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại Thành phố Hải Phòng (gồm 17 chính sách cụ thể).
Vào cuối năm 2021, khi trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng, Chính phủ cũng đã đề nghị Quốc hội cho Hải Phòng lập khu thương mại tự do.
Lần này, Chính phủ tiếp tục đề xuất cho Hải Phòng được thí điểm thành lập và tổ chức hoạt động Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Thành phố Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu thương mại tự do Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, chính sách này tạo hành lang pháp lý cho Khu thương mại tự do Hải Phòng để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc phân cấp cho HĐND Thành phố Hải Phòng quyết định thành lập là phù hợp chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.
Vẫn theo Bộ trưởng, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong Khu thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi. Như, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động, thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế (khoản 5); hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Ngoài ra, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Hải Phòng và giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu thương mại tự do Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng.
Về các chính sách thí điểm trong Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi nêu, Dự thảo quy định việc sử dụng đất đối với Khu thương mại tự do Hải Phòng không phụ thuộc vào chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Thành phố và được cập nhật vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp theo của quốc gia, thành phố. Thường trực Ủy ban cho rằng, đây là vấn đề mới, liên quan đến quy hoạch quốc gia, do đó, đề nghị cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. |
Về thẩm quyền Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện cơ chế “một cửa”, ông Mãi đề nghị rà soát để bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính; cần rõ ràng, minh bạch, kịp thời (ngắn về thời hạn), cụ thể về quy trình; hợp lý về thẩm quyền, bảo đảm năng lực tổ chức thực hiện.
Thường trực Ủy ban cũng tán thành việc áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do chỉ tương tự như mức áp dụng với Khu kinh tế; song thời gian áp dụng dài hơn.
Về chính sách giao dịch, định giá, thanh toán bằng ngoại tệ, Dự thảo quy định các doanh nghiệp có trụ sở chính và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu thương mại tự do Hải Phòng được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Nhấn mạnh đây là chính sách mới, có tác động đến việc quản lý ngoại hối, an ninh tiền tệ nhưng chưa quy định cụ thể về cơ chế quản lý, kiểm soát, quản trị rủi ro ngoại hối bảo đảm phòng chống rửa tiền, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị quy định tại Nghị định, bảo đảm có cơ chế kiểm soát khi thực hiện chính sách này.
Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Riêng với Khu Thương mại tự do thế hệ mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ là “khu thương mại tự do”, vì khái niệm “thế hệ mới” hiện nay chưa có.