Tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Càng trong khó khăn, thách thức, càng cần báo chí lan tỏa những thông tin tích cực với một cái tâm trong sáng, trách nhiệm để tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khó khăn

Lần đầu tiên, tôi triển khai vệt bài 3 kỳ về chân dung một doanh nhân và đây cũng là lần đầu tiên Báo Đầu tư đăng tải bài viết về một doanh nhân dưới dạng nhiều kỳ. Đó là câu chuyện kinh doanh của ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tín Thành Group - một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng hơi bão hòa cho các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu ý tưởng và chiến lược kinh doanh của họ không thực sự đặc biệt. Nhắc đến cái tên Trần Đình Quyền, giới kinh doanh trong ngành sản xuất hơi bão hòa cho các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, nhuộm vải, cao su, sản xuất giấy, bao bì…, có lẽ không ai không biết.

Ông cũng là người từng được giới kinh doanh truyền tai nhau về việc muốn mua lại 55% cổ phần của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất, rồi gần đây là thương vụ “bắt tay” với King Coffee xây dựng một nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina, Mỹ.

Dù hoạt động kinh doanh sôi nổi, nhưng ông chủ của Tín Thành Group lại rất kín tiếng. Những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội chỉ là nét phác thảo khiêm tốn.

Hồi tháng 4 năm nay, tôi và một vài người bạn có cơ duyên gặp doanh nhân Trần Đình Quyền tại trụ sở của Tập đoàn Tín Thành trên đường Phổ Quang, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trước khi bắt đầu buổi trò chuyện, vị doanh nhân có vẻ ngoài vạm vỡ, trạc tuổi 60 này đã giới thiệu qua về các dự án của Tín Thành Group đang hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới được trưng bày ở phòng truyền thống, trong đó có dự án xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tuần hoàn cùng với dự án phát điện công - nông nghiệp khép kín từ cây cao lương mà Tập đoàn đầu tư hơn 20 năm qua.

Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn, dường như bất chấp tuổi tác, ông chủ của Tín Thành Group vẫn luôn cháy trong mình nỗi khát khao làm việc, nghiên cứu để phát triển chuỗi dịch vụ tuần hoàn, gồm công nghệ - công nghiệp - sản xuất - thương mại - tái chế tại Mỹ. Đây cũng là dự án nhận được sự ủng hộ rất lớn của đại sứ Mỹ tại Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Sau loạt bài, ngoài cung cấp những thông tin cơ bản của vị doanh nhân này kể từ lúc khởi nghiệp đến khi ông ấp ủ những dự án to lớn đến với bạn đọc, những thông tin đăng tải trên báo cũng là khởi đầu cho những cuộc kết nối mới giữa doanh nghiệp với báo chí, giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư. Đã có rất nhiều cuộc gọi hỏi thăm, giới thiệu, kết nối vì những giá trị mà dự án mang lại. Dù chưa biết kết quả mang lại sẽ ra sao, nhưng đó cũng là viên gạch đầu tiên để kết nối cơ hội đầu tư - sứ mệnh mà những cơ quan báo chí kinh tế như Báo Đầu tư luôn theo đuổi.

Đời làm báo, có gì vui bằng khi giá trị thông tin của mình được lan tỏa và đón nhận tích cực! Cho dù chưa tạo ra được những giá trị đo đếm bằng vật chất thì ít ra, nhiều người sẽ thấy vui hơn khi đọc được một thông tin tích cực giữa dòng xoáy của nền kinh tế.

Đời làm báo, có gì vui bằng khi giá trị thông tin của mình được lan tỏa và đón nhận tích cực! Cho dù chưa tạo ra được những giá trị đo đếm bằng vật chất thì ít ra, nhiều người sẽ thấy vui hơn khi đọc được một thông tin tích cực giữa dòng xoáy của nền kinh tế.

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tiêu thụ nội địa giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng khiến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gặp khó, từ đó kéo theo nhiều biến cố như thất nghiệp tăng, tâm lý gặp khủng hoảng. Nhưng trong bức tranh chung tối màu, luôn luôn tồn tại những gam sáng và nhiệm vụ của người cầm bút là tìm ra, phản ánh để lan tỏa những giá trị tích cực.

Tôi có một niềm đam mê lớn với những món ăn truyền thống, nhất là các món ăn dân dã mang đậm bản sắc địa phương nên thường xuyên lui tới những hội chợ nông sản, ẩm thực địa phương được các tỉnh đến tổ chức tại TP.HCM. Cũng nhờ niềm đam mê ấy, tôi có cơ duyên gặp được nhiều start-up thành công trong việc xuất khẩu món ăn Việt ngay giữa thời điểm đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm.

Chẳng hạn, Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các món ăn bình dân như bánh lọc, bánh nậm, mắm tôm, mắm ruốc, cà pháo… dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 - 2 triệu USD trong năm nay, một con số không nhỏ so với quy mô doanh nghiệp.

Không giấu được niềm vui khi những món ăn truyền thống của Việt Nam được khách hàng nước ngoài yêu thích và đặt hàng với số lượng lớn, ông Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods bộc bạch: “Tôi ước nguyện sẽ đưa ẩm thực quê hương ra khắp thế giới”.

Gần đây, Công ty Cà Mèn - một start-up chuyên chế biến các món ăn đặc sản của Quảng Trị xuất khẩu thành công lô hàng cháo bột cá lóc (bánh canh cá lóc) sang Mỹ thông qua một nhà phân phối của Việt Nam. Dự kiến, từ nay đến năm 2026, Công ty sẽ xuất khẩu từ 4 - 5 triệu sản phẩm.

Những thông tin tích cực này cũng lần lượt xuất hiện trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư. Càng trong khó khăn, thách thức, càng cần báo chí lan tỏa những giá trị thông tin tích cực với một cái tâm trong sáng, trách nhiệm, bản lĩnh, sự thấu hiểu và chia sẻ, quan điểm đó của lãnh đạo Báo Đầu tư đã thấm nhuần trong đội ngũ cầm bút của Báo.

Nói như ông Nguyễn Đức Nhật Thuận, Nhà sáng lập Công ty Cà Mèn khi trao đổi với người viết, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất khẩu suy giảm, việc thông tin các doanh nghiệp khởi nghiệp như Cà Mèn có được đơn hàng xuất khẩu lớn là tín hiệu tích cực, đồng thời tiếp thêm động lực cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vượt khó, tìm kiếm đơn hàng quốc tế.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục