Tiếp nối Netflix, YouTube sẽ hạ độ nét video trực tuyến ở châu Âu

YouTube là công ty thứ hai sau Netflix hành động sau khi ủy viên EU phụ trách kinh tế số kêu gọi các nền tảng phát trực tuyến giảm chất lượng video để ngăn chặn tình trạng quá tải Internet.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Skynews). Ảnh minh họa. (Nguồn: Skynews).

Ngày 20/3, YouTube cho biết sẽ giảm chất lượng video phát trực tuyến tại Liên minh châu Âu để tránh sự tắc nghẽn lưu lượng Internet khi hàng ngàn người châu Âu, bị hạn chế ra ngoài bởi sự bùng phát của COVID-19, chuyển sang làm việc tại nhà.

YouTube là công ty thứ hai sau Netflix hành động sau khi ủy viên EU phụ trách kinh tế số Thierry Breton kêu gọi các nền tảng phát trực tuyến giảm chất lượng video của họ để ngăn chặn tình trạng quá tải Internet. Video chiếm một phần đáng kể của dữ liệu lưu lượng truy cập Internet.

Động thái này được đưa ra sau khi ông Breton nói chuyện với CEO Google Sundar Pichai và Giám đốc điều hành YouTube Susan Wojcicki.

YouTube cho biết cho đến nay họ chỉ nhận thấy một vài sự gia tăng đột biến không quá lớn trong lưu lượng xem video ở EU nhưng quyết định hành động để giảm thiểu căng thẳng cho hệ thống.

Mạng chia sẻ video trực tuyến cam kết tạm thời chuyển tất cả lưu lượng truy cập ở EU sang định dạng tiêu chuẩn SD thay vì HD.

Một phát ngôn viên cho biết quyết định này bao gồm cả thị trường Anh và ban đầu áp dùng  trong 30 ngày.

Video độ nét tiêu chuẩn không chi tiết hoặc sắc nét như video độ nét cao.

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông châu Âu, từ Vodafone đến Deutsche Telekom, đã báo cáo sự tăng đột biến về lưu lượng dữ liệu trong những ngày gần đây.

Cơ quan quản lý của EU muốn dành băng thông Internet để đối phó với các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe và học tập trực tuyến của hàng ngàn trẻ em ở nhà trong thời gian dịch COVID-19.

Netflix hôm thứ Năm 19/3 cho biết họ sẽ giảm tốc độ bit, định dạng lại chất lượng và kích thước của các tệp âm thanh và video, trên tất cả các luồng tại châu Âu trong 30 ngày, giúp giảm lưu lượng truy cập trên các mạng châu Âu khoảng 25%.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục