Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.
Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX (LHHTX) đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX.
Trong đó, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, LHHTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.
Cụ thể, theo loại hình TCTD, dư nợ chủ yếu tập trung tại khối NHTM Nhà nước chiếm tỷ trọng 79%. Theo lĩnh vực hoạt động, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,42%, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 52,96%; tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,62%.
Đánh giá hoạt động tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX, theo bà Tùng, thuận lợi ở chỗ Đảng và Nhà nước xác định là thành phần kinh tế quan trọng, nòng cốt là hợp tác xã. Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư đã có nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể như: Nghị quyết TW 5 khóa 9, Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2022 sau khi tổng kết 20 năm thực hiện NQTW 5. Quốc hội đã 04 lần ban hành Luật HTX làm cơ sở để hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật cho phát triển thành phần kinh tế này.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
“Về phía ngành Ngân hàng, đây là thành phần kinh tế được NHNN quan tâm, chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, có nhiều chính sách ưu đãi (về vốn, lãi suất, thủ tục, không tài sản bảo đảm, hạn mức, mạng lưới cho vay...). Bên cạnh đó, NHNN luôn nghiên cứu đề xuất giải pháp để tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới cho vay, các chính sách khuyến khích để cho vay hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ HTX, LHHTX”, bà Tùng nói.
Thuận lợi và khó khăn
Bà Tùng thừa nhận, tín dụng đối với HTX, LHHTX thấp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tuy nhiên qua rà soát, NHNN thấy tín dụng HTX nhỏ nhưng thực chất tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên HTX.
Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đến cuối tháng 12/2023 đạt 6,4 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,24 triệu tỷ đồng.
Nguyên nhân tín dụng đối với HTX còn thấp đã được các cấp, các ngành chỉ ra và tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ:
Thứ nhất, HTX thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của HTX, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của HTX giảm.
Thứ hai, năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu; vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm.
Thứ ba, HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã; Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế.
Thứ tư, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp HTX ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.
Thứ năm, theo phản ánh của TCTD, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cũng là khó khăn cho TCTD khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể.
Thứ sáu, một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đề xuất, kiến nghị
Để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX bền vững, từ phía NHNN, bà Tùng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX (có hiệu lực 1/7/2024) để triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của kinh tế tập thể trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật; phát huy vai trò cầu nối giữa HTX, LHHTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp và thị trường, phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp.
Ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX.
“Tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ HTX tại các địa phương, hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn cho HTX. Đẩy mạnh triển khai Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX, LHHTX, tổ hợp tác kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp cho các TCTD có cơ sở đầu tư vốn”, bà Tùng nói.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đất đai, xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX, LHHTX, tổ hợp tác; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới...) trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, rút ngắn các thủ tục giao dịch đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các HTX, LHHTX, tổ hợp tác tiếp cận vốn.
Đối với Liên minh HTX, bà Tùng đề nghị, cần tăng cường vai trò của Liên minh HTX trong hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn hoạt động và tham gia quản lý HTX. Từ phía HTX, cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh...). Đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX; xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tham gia và tuân thủ các quy định của mô hình sản xuất liên kết, minh bạch tài chính, dòng tiền, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các TCTD cho vay.