Tiếp cận thông tin trong đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Rất nhiều nhà đầu tư khi đã quyết định mua cổ phiếu của một công ty cổ phần, mà vẫn chưa biết rõ về công ty đó.

Một số nhà đầu tư chỉ mới nghe đồn là công ty đó tốt, mà không tìm hiểu cho biết đích xác. Nhà đầu tư nào cũng mong muốn kế hoạch đầu tư của mình được thành công, đem lại lợi nhuận cao. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có khả năng đánh giá và phân tích.

- Doanh thu của công ty tăng theo mức độ nào? Doanh số này sẽ căn cứ vào hoạt động chính của công ty, chứ không thể căn cứ vào các hoạt động phụ như đầu tư tài chính hay địa ốc của công ty.

- Lợi nhuận trước thuế và sau thuế. Lợi nhuận này bắt buộc tăng theo doanh số của công ty. Nếu doanh số tăng mà lợi nhuận không tăng thì nhà đầu tư cần cẩn trọng, vì chi phí của công ty quá nhiều, nên lợi nhuận không thể tăng được. Đây là dấu hiệu xấu cho công ty. Như vậy, nhà đầu tư cần phải xét tới lợi nhuận biên (profit margin) của công ty đó, trước khi có quyết định đầu tư.

- Sản phẩm và thị phần của công ty. Đầu tư vào một công ty có nghĩa là đóng góp tiền vào công ty đó để sản xuất hay cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về sản phẩm này hiện nay có phải là thế mạnh của công ty không? Sản phẩm này đã chiếm được bao nhiêu thị phần trên thị trường. Thông thường, nhà đầu tư nên chọn những công ty hàng đầu của một lĩnh vực sản xuất nào đó.

- Chiến lược kinh doanh của công ty trong hiện tại và tương lai. Chiến lược này có khả thi không? Một khi chiến lược công ty sai sẽ làm cho công ty bị thua lỗ và nhà đầu tư sẽ là nạn nhân của công ty khi giá cổ phiếu đi xuống.

- Thành phần HĐQT và Ban giám đốc công ty có thực sự có khả năng hay không?

- P/E. Tỷ lệ thị giá cổ phiếu/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty có quá cao hay không? Nếu tỷ lệ này cao thì rủi ro cho nhà đầu tư càng nhiều. Cần phải chú ý, tỷ lệ thấp thì tốt hơn.

- Mức trả cổ tức của công ty như thế nào. Nhà đầu tư cần hoạch định lại chiến lược, mua cổ phiếu để nhận cổ tức hay mua cổ phiếu để kiếm chênh lệch giá?

- Các công ty đối thủ như thế nào: Mạnh hơn? Yếu hơn? Giỏi hơn? Sản phẩm tốt hơn và giá bán rẻ hơn? Nhà đầu tư cần phải áp dụng câu nói trong binh pháp Tôn Tử: "Biết người biết ta, trăm trận bất bại".

- Số lượng cổ phiếu của công ty nhiều hay ít? Nếu ít sẽ lợi và hại về điểm nào? Nếu công ty có nhiều cổ phiếu thì lợi và hại ở điểm nào?

- Cuối cùng là thành phần cổ đông của công ty là ai: Các nhà đầu tư tài chính? Các nhà đầu tư có tổ chức? Các nhà đầu tư nhỏ? Công ty giữ một số lớn cổ phiếu? Những yếu tố này rất quan trọng cho giá thị trường của cổ phiếu. Một nguyên tắc là nếu cổ đông là pháp nhân giàu có đầu tư vào công ty đó thì sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới giá cổ phiếu, hơn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn.

Bộ phận tư vấn và phân tích CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận tư vấn và phân tích CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục