Tiếp cận thông tin: Khó và dễ

(ĐTCK) Hỏi về một văn bản liên quan đến kế hoạch phát triển một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, cán bộ của Bộ phụ trách đưa ra một tập văn bản với dấu mật đỏ chói. Hết cách! Cơ hội để tiếp cận thông tin cũng như chia sẻ cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này coi như đóng lại với các cơ quan báo chí cũng như các DN, nhà đầu tư.
Tình trạng đầu cơ đất đai xảy ra phần lớn do sự khác biệt trong cơ hội tiếp cận thông tin.

Tương tự như vậy, một văn bản đánh giá hiệu quả hoạt động của một bộ phận DNNN cũng được đóng dấu mật. Nguồn thông tin về hiệu quả kinh doanh nguồn vốn nhà nước trở nên khó khăn khi tiếp cận. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các DNNN, một trong những mối quan tâm lớn của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Hướng dẫn về phát ngôn và cung cấp thông tin với báo chí của một số bộ, ngành, địa phương cũng tạo nên những khoảng trống không nhỏ về thông tin có liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh mà bộ, ngành đó quản lý. Bởi, trong "vùng cấm" với báo giới, có cả những văn bản, chính sách đang trong quá trình soạn thảo mà chưa cần lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Ngay khi những hướng dẫn này được đưa ra, lo ngại về sự "độc quyền" ý tưởng và nội dung của cơ quan soạn thảo, vốn đang được giải tỏa nhờ cơ chế tham vấn mạnh mẽ ngay từ khi có ý tưởng soạn thảo, đã đưa ra. Thực tế đã chứng minh những lo ngại này hoàn toàn có lý khi hàng loạt bất ổn trong hoạt động của cộng đồng DN xuất hiện bởi chính các văn bản sau khi ban hành. Thậm chí, khá nhiều quyết định của bộ, ngành, địa phương đã phải điều chỉnh ngay khi có hiệu lực do những ý kiến phản biện mạnh mẽ. Có lẽ trường hợp của Hà Nội với hàng loạt văn bản thu hồi những quyết định chưa ráo mực là một ví dụ điển hình. Hiện tại, UBND TP. Hà Nội có lẽ cũng khá đau đầu với những luồng dư luận liên quan đến dự án Khách sạn Novotel on the Park trên khu đất tiền sử thuộc Công viên Thống Nhất. Vấn đề là, giá như trong quá trình xây dựng các quyết định này, cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin được quan tâm đúng mức, thì những khúc mắc đã khó xảy ra.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những rào cản này lại không phải tuyệt đối. Khá nhiều DN cho biết, họ vẫn có "kênh" để có được những thông tin hiếm. Yếu tố đặc quyền, và kèm theo đó là đặc lợi khá rõ ràng. Ngay trong văn bản giải trình cho Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, các chuyên gia không quên nhắc tới việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, công bằng trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

Rõ ràng, sự khó hay dễ trong tiếp cận thông tin quan trọng nhiều khi không phụ thuộc vào tính chất của chính thông tin đó, mà phụ thuộc vào mối quan hệ với người có thông tin và khả năng "nhiệt tình" của người cần thông tin. Điều này chắc chắn tạo nên sự khác biệt trong cơ hội tiếp cận thông tin của các nhóm lợi ích khác nhau. Hệ quả là mong muốn cân bằng, hài hòa các nhóm lợi ích rất khó đạt được. Các chuyên gia xây dựng văn bản luật này cũng khẳng định rằng, khó có thể dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước và thành công trong việc chống tham nhũng trong tình trạng không đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công chúng, báo chí.

Dự luật tiếp cận thông tin đang được chờ đợi như một giải pháp tháo gỡ trở ngại này. Theo kế hoạch, Dự luật sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7/2009, trình Quốc hội lần đầu vào cuối năm 2009 và thông qua vào đầu năm 2010. Luật được xây dựng trên quan điểm bảo vệ và tạo điều kiện cho các cơ quan, cá nhân được quyền tiếp cận thông tin (trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước).

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục