Tiếng chuông cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp

(ĐTCK-online) Khi nền kinh tế Việt Nam bước sang vận hành theo cơ chế thị trường, câu nói đầu tiên phá bỏ tư tưởng bao cấp "xin - cho" được nhiều người cho là một sự đổi mới triệt để, đó là câu: "Khách hàng là thượng đế". Từ khi TTCK Việt Nam ra đời vào năm 2000, hoạt động kinh doanh chứng khoán đã được coi là một nghề, lúc đầu còn mới mẻ, nhưng nay đã trở nên khá phổ biến trong một bộ phận những tri thức trẻ. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của người hành nghề lại là vấn đề phải bàn, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO - một sân chơi toàn cầu, nơi sàng lọc và tôn vinh tính chuyên nghiệp của các thành viên tham gia.
Những vi phạm của người hành nghề chứng khoán đã và đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Những vi phạm của người hành nghề chứng khoán đã và đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.

Liên quan đến TTCK Việt Nam, từ năm 2006, với sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử, thường gọi theo chuẩn mực quốc tế là Quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành cho người hành nghề chứng khoán.

Bộ quy tắc này đã được đưa vào giảng dạy trong các lớp học để cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cũng như một số lớp học nâng cao kỹ năng cho các thành viên thị trường. Thời kỳ TTCK bùng nổ, nhiều CTCK tập trung lo xử lý công việc kinh doanh hàng ngày nên thiếu quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề chứng khoán. Vì vậy, ở đâu đó đã có nhiều phản hồi về việc đối xử không công bằng với khách hàng, chèn lệnh mua bán cho cá nhân, cho người thân… của nhân viên CTCK. Gần đây, đợt kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện và đi đến cảnh cáo, kỷ luật khá nhiều nhân viên và công ty chứng khoán vì những sai phạm dạng này… Đây là một thực trạng đáng báo động trong hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam .

Vì gắn với đồng tiền của nhà đầu tư, sức khoẻ của các DN nên TTCK càng phát triển, đạo đức của người hành nghề kinh doanh chứng khoán càng phải được coi trọng. Nếu thị trường vẫn tiếp tục tình trạng có nhân viên chèn lệnh, mua bán khống, lập chứng từ khống để mua bán… thì tính minh bạch, công bằng trong hoạt động giao dịch chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực. Vừa qua, chúng ta đã quá coi nhẹ đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến thực trạng một số người hành nghề đã vi phạm pháp luật. Nhiều công ty chứng khoán lặng lẽ cho thôi việc những nhân viên này, nhưng sau đó, những người từng phạm lỗi lại chuyển sang công ty chứng khoán khác làm việc. Đúng ra, những người này cần phải chịu phạt nặng hơn, không chỉ là sự cảnh cáo, phạt tiền, mà thậm chí họ không đáng được trọng dụng ở bất kỳ công ty chứng khoán nào.

Thị trường cần hồi chuông cảnh báo về sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK - những vi phạm đó đã và đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Gần đây, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, nhiều công ty đã soát xét cho nghỉ việc một số nhân viên hành nghề, số nhân viên còn lại được tổ chức học về đạo đức nghề nghiệp. Đây chính là thời kỳ các công ty chứng khoán cần chấn chỉnh, củng cố, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư và cũng là thời gian để chọn lọc những nhân viên hành nghề có đủ phẩm chất đạo đức. Lãnh đạo các công ty cần có sự liên kết và thông tin cho nhau để kiểm soát tốt hơn đạo đức nghề nghiệp của chính các nhân viên mình quản lý, đồng thời nắm bắt được những hành vi làm xói mòn niềm tin của công chúng đầu tư.

 

Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB)
Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB)

Tin cùng chuyên mục