Tiền trong khu vực kinh tế tư nhân: Khó tiêu vì vướng điều kiện

Chỉ cần cải thiện được 1 điểm phần trăm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp (DN) tư nhân, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 tỷ USD, tương đương gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Ông chủ của các đồng vốn này chắc chắn muốn làm nhiều hơn…
Tiền trong khu vực kinh tế tư nhân: Khó tiêu vì vướng điều kiện

DN đậm dấu ấn… bộ, ngành

Gần 46% DN tham gia khảo sát Bộ chỉ số CEO.CI (Niềm tin kinh doanh - do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF thực hiện) cho biết, họ đã từng bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh bởi những quy định hạn chế thị trường hoặc rào cản pháp lý.

Con số này thực sự quá lớn trong khi Chính phủ đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để nâng đỡ các ý tưởng kinh doanh. Cũng phải nói thêm, đây mới là thông tin “rò rỉ” vào đầu tháng 7/2017. Ngày 15/7 mới là thời điểm đóng khảo sát và con số chính thức sẽ được công bố tại VPSF năm 2017 vào ngày 31/7/2017.

Dù vậy, tỷ lệ này lại không khiến giới chuyên gia kinh tế ngạc nhiên.

“Nếu nhìn vào dấu ấn đậm chất bộ, ngành trong các quy định về điều kiện kinh doanh, có thể lý giải được những cơ hội bị bỏ lỡ của người kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) bình luận.

Nghiên cứu đặc điểm về điều kiện kinh doanh trong 3 ngành công thương, giao thông - vận tải, khoa học và công nghệ do VCCI công bố cuối tháng 6/2017 cho thấy, tất cả điều kiện kinh doanh trong các ngành đều được ban hành đúng thẩm quyền, có nghĩa là được quy định tại văn bản luật, nghị định, nhưng… dấu ấn của bộ, ngành quản lý rất rõ nét.

Đáng lo ngại là, dấu ấn mà bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI), người trực tiếp thực hiện nghiên cứu trên phác họa lại tỷ lệ thuận với sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự quyết của DN.

“Đơn cử, Nghị định 86/2014/NĐ-CP (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), quy định để có được giấy phép kinh doanh, DN phải có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và phương án này phải được duyệt.

Tôi không hình dung được lý do cơ quan quản lý nhà nước phải phê duyệt phương kinh doanh của DN. Nếu không được phê duyệt, có nghĩa những khoản đầu tư cho phương án này trước đó sẽ lãng phí, vì DN không được cấp phép kinh doanh? Nếu DN muốn thay đổi phương án kinh doanh do sự thay đổi của thị trường thì có phải phê duyệt lại?...”, bà Hồng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Có lẽ phải có thêm câu hỏi rằng, sẽ có bao nhiêu DN đủ kiên nhẫn thỏa mãn các điều kiện kiểu như vậy? Còn bao nhiều ý tưởng kinh doanh, nguồn lực trong dân đang bị bỏ lỡ bởi tư duy ép DN vào khuôn mẫu theo mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước?

Nhà nước cầm chìa khóa

Bức tranh hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương (CIEM) tập hợp lại không có nhiều thông tin tích cực.

Đó là, chỉ có khoảng 1/3 DN nộp thuế thu nhập; chỉ 48% DN có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ 75% vào năm 2006; chỉ số quay vòng vốn của DN tư nhân chỉ đạt 0,7 lần và hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4%, trong khi tỷ lệ này của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 5,9%...

Nhưng chính ông Cung là người đưa ra tính toán, nếu cải thiện được 1 điểm phần trăm hiệu quả sử dụng vốn của DN tư nhân, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 tỷ USD, tương đương gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Câu hỏi ngay lúc này là, làm thế nào để các nguồn tài sản dồi dào trong dân cũng như các ý tưởng kinh doanh có thể tạo ra được giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đúng tiềm lực đang có.

“Tôi tiếp tục giữ quan điểm, phải phân bổ lại nguồn lực theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước. Cách đây 30 năm, khi chúng ta mở cửa thị trường, tự do hóa giá cả, nguồn lực trong dân đã bung ra.

Hiện tại, thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường vốn, tín dụng, thị trường quyền sử dụng đất, đang bị kìm hãm bởi hành chính xin - cho, nên chỉ cần trả lại thị trường, không còn xin - cho, cộng với thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo nguyên tắc và quy luật thị trường, thì khu vực tư nhân sẽ một lần nữa bung mạnh”, ông Cung đề xuất.

Với quan điểm này, ông Cung đề xuất các giải pháp có thể làm nhanh, nhưng tác động ngay tới DN, như cắt giảm ít nhất 50% số sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 yêu cầu phải áp dụng kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục xem xét, bãi bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành; áp dụng rộng rãi hơn mô hình cách đồng mẫu lớn, các mô hình tổ chức sản xuất khác; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp…

Có lẽ phải nhắc lại lý do đầu tư khu vực tư nhân thấp theo mô hình chẩn đoán tăng trưởng của nhóm nghiên cứu theo hướng dẫn của GS. Ricardo Hausmann (Đại học Harvard - Mỹ), đó là lợi ích kinh tế thấp và chi phí tài chính cao. Sự tương đồng trong điểm nghẽn khá rõ với nghiên cứu của CIEM.

“Trong mô hình này, bộ máy hành chính kém hiệu quả, chính sách đất đai không phù hợp là các điểm nghẽn mang tính cấp bách, gây ra lợi tức kinh tế thấp, cần phải giải tỏa gấp. Ở lý do chi phí tài chính cao thì hệ thống tài chính yếu kém là nguyên do”, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tham gia nhóm nghiên cứu lý giải.

Còn trung hạn và dài hạn, theo ông Lực, các điểm nghẽn được phát hiện là những bất ổn trong kinh tế vĩ mô, nguồn nhân lực, thể chế, các vấn đề về khoa học và công nghệ.

“Tóm lại, nếu rào cản càng ít, DN càng phát triển”, ông Lực nói.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục