Xử lý nợ xấu và mối lo sở hữu chéo, cổ tức

(ĐTCK) Cùng với tiến trình tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhưng chưa hẳn đã hết mối lo...
Tính đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đạt 1,91%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 2,46% và thời điểm 31/12/2017 là 1,99%. Tính đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đạt 1,91%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 2,46% và thời điểm 31/12/2017 là 1,99%.

“Con nợ” đã có động cơ trả nợ cao

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến cuối tháng 12/2018 đã giảm về 1,89% so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017.

Tính đến 31/12/2018, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) triển khai mua nợ theo giá trị thị trường với 2.819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 29.812 tỷ đồng giá mua nợ. VAMC xử lý các khoản nợ xấu đã mua đạt 78.000 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 226% kế hoạch) với giá trị thu hồi nợ là 37.250 tỷ đồng.

"Lũy kế đến ngày 31/12/2018, VAMC đã thu hồi được 3.549 tỷ đồng, trong đó thu hồi cơ bản các khoản nợ đã mua trong năm 2017", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, để có khung pháp lý hữu hiệu hơn, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã được Quốc hội thông qua vào năm 2017. Yếu tố tích cực nhất của Nghị quyết là gia tăng quyền cho các ngân hàng trong việc tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và tăng quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

“Nhiều con nợ vì vậy đã có động cơ trả nợ cao hơn khi biết chủ nợ có quyền thu hồi tài sản đảm bảo mạnh hơn. Thực tế sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, những hình thức xử lý nợ xấu điển hình theo Nghị quyết 42/2017 là thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản và tổ chức mua bán nợ xấu”, ông Thành nói.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra - Giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là sự ổn định, an toàn của hệ thống được giữ vững, thể hiện trên nhiều mặt.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2018, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 10,62% so với năm 2017; cho vay thị trường 1 đạt 7,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,16%; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,3%; tỷ lệ an toàn vốn bình quân của hệ thống đạt 12,1% (mức tối thiểu theo quy định là 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 17,4% và hầu hết TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Tính đến 31/12/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 5,76 triệu tỷ đồng, tăng 12,47% so với cuối năm 2017; chất lượng tín dụng được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 1,91%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 2,46% và thời điểm 31/12/2017 là 1,99%.

“Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát”, ông Lân nhấn mạnh. 

Mối lo sở hữu chéo, cổ tức

Liên quan đến việc mua bán nợ, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong nhiều trường hợp, cổ đông lớn của TCTD và chủ của tổ chức mua bán nợ xấu là một hoặc có quan hệ sở hữu mật thiết. Đây là yếu tố then chốt để giao dịch mua nợ và xử lý tài sản đảm bảo được diễn ra dễ dàng và giúp thâu tóm bất động sản.

Chính vì vậy, những vướng mắc giữa Nghị quyết 42 và Luật Kinh doanh bất động sản cần được khắc phục để sau khi tài sản đảm bảo là bất động sản được thu hồi và chuyển nhượng cho chủ mới có thể được tiếp tục triển khai đầu tư nhanh chóng.

“Cơ quan quản lý cần xác định rõ các mối quan hệ giữa cổ đông lớn của ngân hàng và bên mua nợ xấu, giám sát chặt chẽ và ngăn chặn mọi hành vi vay tiền của ngân hàng để mua nợ xấu của chính ngân hàng đó (hay những TCTD liên quan trong quan hệ sở hữu chéo)”, ông Thành nói.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo các phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo ông Nguyễn Phi Lân, trong năm 2019, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần được tập trung triển khai như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD… theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD có vi phạm về sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt quy định thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai giải pháp xử lý dứt điểm các vi phạm; chủ động phối hợp với các cổ đông lớn, đặc biệt cổ đông là tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để xây dựng lộ trình, phương án thoái vốn tại TCTD theo đúng chỉ đạo, định hướng của Chính phủ…

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các TCTD rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; chỉ đạo TCTD và VAMC tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đã đề ra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

“Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Tập trung thanh tra, giám sát việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, hoạt động cấp tín dụng; tăng cường giám sát việc xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, đặc biệt là TCTD có nợ xấu cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Lân nhấn mạnh.

Được biết, NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.

Đáng chú ý, tại Khoản 4, Điều 60 - dự thảo Thông tư được bổ sung một số điểm: đ) Các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán; e) Các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm được thanh toán; g) Các TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Các quy định nêu trên được đánh giá sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát được việc chia cổ tức của các TCTD (bao gồm cả các ngân hàng có vốn nhà nước) có khoản nợ xấu bán cho VAMC khi dự thảo chính thức được ban hành.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục