Xử lý nợ xấu nhìn từ “cái bắt tay” VAMC – Sacombank

(ĐTCK) Dù đã rất tích cực, song việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi vậy, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, thực thi tới năm 2022, đã tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh hơn nữa trong xử lý nợ xấu.
Sacombank là 1 trong 6 ngân hàng tiên phong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội Sacombank là 1 trong 6 ngân hàng tiên phong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội

Hành lang pháp lý đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP.HCM cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2019 vào khoảng 3,9% (tương ứng 60.000 tỷ đồng), nhưng nếu loại trừ số nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại bắt buộc thì chỉ còn khoảng 2%.

Mặc dù vậy, theo ông Minh, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng trong thời gian qua chỉ mới “yên”, chứ chưa “ổn”. Bởi nợ xấu dù đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, quá trình xử lý tài sản đảm bảo phải thông qua tài án, nên thường mất nhiều thời gian.

“Bởi vậy, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu cho phép hình thành thị trường mua bán nợ theo cơ chế của thị trường, tạo điều kiện tích cực cho các ngân hàng xử lý nợ xấu”, ông Minh nói.

Mới đây, NHNN đã chính thức chọn 6 tổ chức tín dụng gồm Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank tiên phong triển khai Nghị quyết 42, nhằm tập trung toàn diện, quyết liệt và hiệu quả tất cả các chính sách cho phép để xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, kích thích phát triển nền kinh tế.

VAMC “bắt tay” Sacombank: Phát súng đầu tiên

Ngày 28/9 vừa qua, Sacombank và VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN của NHNN và Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank.

Theo đó, Sacombank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ cho từng năm, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu để thu hồi nợ. Sacombank cũng sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán cho VAMC bằng cả trái phiếu đặc biệt và theo giá trị thị trường.

Được biết, ngay sau lễ ký kết, VAMC và Sacombank đã tiến hành ký hợp đồng mua bán 3 khoản nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là các bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP.HCM.

“Sacombank phấn đấu trong năm nay sẽ xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã giải quyết được 6.000 tỷ đồng”.

- ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank

Theo lãnh đạo Sacombank, để xử lý được 14.000 tỷ đồng nợ chỉ trong 3 tháng cuối năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, song với việc hành lang pháp lý đã sẵn sàng, Ngân hàng sẽ nỗ lực tối đa để đạt hiệu quả xử lý nợ cao nhất.

“Nguyên tắc của Sacombank trong bán nợ là bán đấu giá dưới sự giám sát của trọng tài kinh tế. Tiền thu về phải là tiền thật, kể cả bán cho VAMC và tất cả đều được dùng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng”, ông Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐTV VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, hiện tổng nợ xấu Sacombank bán cho VAMC lớn thứ hai trong các tổ chức tín dụng, chỉ sau Agribank. Do đó, Sacombank và VAMC đã có sự hợp tác ngay từ đầu, nhằm hỗ trợ cho mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng theo ông Đông, từ đầu năm 2017 đến nay, VAMC đã mua thêm 25.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng lên hơn 260.000 tỷ đồng.

“Với tiềm lực hiện tại, để xử lý được khoản nợ xấu trên là chưa đủ. Nhưng với sự nỗ lực, VAMC sẽ nâng cao vai trò của mình trong thời gian tới để cùng với các ngân hàng đẩy mạnh quá trình xử lý nợ”, ông Đông nói và cho biết, VAMC có nhiều kênh để xử lý nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt và những trái phiếu này sẽ được tái chiết khấu tại NHNN. Công ty sẽ có đề án trình NHNN trong quý IV/2017.

“VAMC cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc huy động nguồn lực bằng trái phiếu đặc biệt có thời hạn, có trả lãi suất khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, đồng thời đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu mà các ngân hàng đang thực hiện”, ông Đông chia sẻ.

Về việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường, ông Đông cho biết, VAMC đã ký một số hợp đồng mua bán nợ có giá trị vượt vốn điều lệ của Công ty là 2.000 tỷ đồng và các khoản nợ này đều được trả chậm. Để nâng cao năng lực tài chính, VAMC dự kiến tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2018 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2020.

“Hiện VAMC đang rà soát danh sách nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã gửi cho Công ty, khả năng từ nay đến cuối năm sẽ mua thêm 35.000-40.000 tỷ đồng nợ, đồng thời dự kiến thu hồi được số tiền tương đương”, ông Đông nói.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục