Xử lý nợ xấu chưa thể vội

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, chặng đường xử lý nợ xấu chỉ mới đi được một nửa, song cũng chưa thể vội kỳ vọng nhanh, vì Việt Nam chưa có thị trường mua - bán nợ. 
TS. Trần Du Lịch TS. Trần Du Lịch

Tiến độ xử lý nợ xấu khó có thể kỳ vọng đẩy nhanh, thì nợ xấu lại tiếp tục phát sinh cao ở một số ngân hàng. Theo ông, làm thế nào để kiểm soát?

Nợ xấu của một số ngân hàng tăng trong 6 tháng đầu năm là do nợ cũ phát sinh. Điều quan trọng lúc này là các nhà băng phải làm sao để ngăn chặn được nợ xấu phát sinh từ các khoản vay mới và nỗ lực trích lập dự phòng, xử lý thu hồi nợ. Trong đó, vấn đề chất lượng tín dụng luôn đặt lên hàng đầu. Còn đối với xử lý nợ xấu, sau khi đã bán lượng lớn cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), các ngân hàng đang nỗ lực, song khó kỳ vọng đẩy mạnh, vì có khó khăn nhất định.

Thứ nhất, sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng, thị trường khó khăn, kể cả bất động sản.

Thứ hai là xử lý tài sản đảm bảo trong thu hồi nợ xấu. Vì thế, trước hết, cần phải có nhìn nhận thực tế và hy sinh trong việc xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, với một khoản tài sản đảm bảo, trước đây ngân hàng và khách hàng định giá khác, nhưng giờ phải chấp nhận bán giá khác, do bất động sản thời gian qua giảm thì mới kỳ vọng xử lý được nợ. Ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu, còn khách hàng thoát nợ.

Khó nhất trong xử lý nợ là phát mãi tài sản. Vậy có giải pháp nào, thưa ông?

Đây là một vấn đề tồn tại khá phức tạp, theo tôi biết, hiện nay, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ những vấn đề mang tính thủ tục về phát mãi tài sản là các bất động sản, quyền của chủ nợ có tài sản thế chấp và một số giải pháp khác để phát triển thị trường mua - bán nợ.

Hiện nay vướng mắc không chỉ trong lĩnh vực pháp luật liên quan đến tín dụng, ngân hàng, mà còn liên quan đến nhân sự cũng như quy định liên quan đến thủ tục hành chính tư pháp, bán đấu giá bất động sản. Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng không ít dự án bất động sản nâng giá trị ảo để thế chấp ngân hàng, trong đó nhiều dự án đã bị truy tố hình sự, nên giải quyết bài toán này không thể nhanh được trong một sớm một chiều.

Có ý kiến cho rằng, nợ xấu các ngân hàng tăng gần đây do đã đẩy mạnh cho vay vốn trung, dài hạn trong năm trước, nên NHNN đã siết lại theo lộ trình đưa ra?

Tôi cho rằng, việc ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT - NHNN là cần thiết. Vì thực tế nguồn vốn huy động của các ngân hàng hiện phần lớn là ngắn hạn, trong khi đẩy mạnh cho vay vốn trung, dài hạn cũng sẽ có rủi ro, nếu không cân đối được nguồn. Theo tôi, việc ban hành Thông tư 06 đã ảnh hưởng tích cực lên thị trường bất động sản, bởi NHNN đã có lộ trình cho phép các ngân hàng điều chỉnh. Vì thực trạng tại các ngân hàng là chủ yếu huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Nếu không có lộ trình sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kiên trì với lộ trình đưa ra, bởi nếu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn quá nhiều sẽ gây lỗ hổng cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và rủi ro gia tăng. Thông tư 06 là một lộ trình cho các ngân hàng trong việc nâng cao năng lực tài chính, chứ không phải là siết lại tín dụng trong lĩnh vực này, cả với tín dụng bất động sản như nhiều người liên tưởng.

Theo ông, nợ xấu tập trung vào bất động sản là điều đáng lo ngại, cần siết lại?

Theo tôi, vấn đề không phải là dư nợ cho vay bất động sản nhiều hay ít, mà vấn đề tôi quan tâm là nguồn tín dụng bất động sản đó đầu tư vào đâu. Trong đó, phải kể đến những trường hợp kinh doanh, đầu cơ, nhất là tình trạng đã “phóng lao đã theo lao” mới là vấn đề đáng lo ngại.

Về dư nợ cho vay bất động sản so với tổng dư nợ của nền kinh tế và so với tốc độ phát triển của thị trường bất động sản hiện nay, tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại điều đáng lo là, NHTM có giám sát được dòng vốn đã cho vay bất động sản hay không. Nếu giám sát được dòng tiền đúng chức năng của NHTM thì không phải lo.

Những năm trước đây, khi thị trường bất động sản tăng nóng giai đoạn 2007 - 2009, nhiều ngân hàng cho vay không kiểm soát được dòng tiền, nên không ít cá nhân và cả tổ chức đã vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản một cách ồ ạt, gây hậu quả nợ xấu. Bởi “bong bóng” thị trường bất động sản của Việt Nam đã xảy ra rất nghiêm trọng vào thời điểm 2007 và biểu hiện rõ nhất vào đầu 2010, tức là thời điểm thị trường bất động sản đóng băng.

Đặc điểm của đóng băng thị trường bất động sản Việt Nam là chỉ đối với các dự án nhà ở cao cấp, các dự án đầu tư dang dở, còn phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với sức mua chung của xã hội thì chưa bao giờ đóng băng. Dường như đang có xu hướng phát triển nhanh các loại nhà ở cao cấp, do vậy tôi cho rằng, phải cảnh báo nguy cơ, nếu NHTM tiếp tục đỗ vốn vào phân khúc này. Còn nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp đang có sức mua tốt, thì không lo nhiều đến bong bóng tín dụng bất động sản.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục