Vượt trần lãi suất, ngân hàng muốn níu chân khách

(ĐTCK) Một tháng qua, thị trường ngân hàng lại nóng lên câu chuyện vượt trần lãi suất.
Vượt trần lãi suất, ngân hàng muốn níu chân khách

Dưới lăng kính của một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tượng vượt trần lần này dường như không xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng thanh khoản cục bộ tại một vài ngân hàng như những lần trước.

Vượt trần lãi suất, ngân hàng muốn níu chân khách ảnh 1

Làn sóng tăng lãi suất lần này không xuất phát từ lý do giảm thanh khoản của ngân hàng

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn VIB cho rằng, tình trạng vượt trần lãi suất hiện nay không liên quan gì đến thanh khoản của các ngân hàng. Ông Trung dẫn chứng, tín dụng ngân hàng trong quý III đã có sự cải thiện so với 6 tháng đầu năm, nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn yếu. Tỷ lệ cho vay trên huy động của các ngân hàng thuộc nhóm G12 hiện chỉ đạt 80%.

Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 - 17% và tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 14 - 16% trong năm 2012. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 1,9% so với hồi đầu năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tăng trưởng cung tiền M2 vào cuối tháng 9 ước đạt 11,1% so với đầu năm cho thấy, hệ thống có đủ khả năng thanh khoản nhưng ít hấp dẫn tín dụng.

“Tăng trưởng tín dụng yếu và trần lãi suất đang có áp lực tới lợi nhuận ngân hàng”, ông Dominic Mellor, kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định. Do vậy, theo ông Dominic Mellor, không ngạc nhiên khi các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào thị trường.

Có thể thấy, thời gian qua, các ngân hàng liên tục tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng vay tiền. Chẳng hạn, tại Vietinbank, từ ngày 1/10/2012, Ngân hàng triển khai Chương trình “Chung tay vượt khó cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ” trên quy mô toàn quốc. Theo đó, DN vừa và nhỏ thuộc đối tượng của Chương trình, khi có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để phục vụ sản xuất - kinh doanh được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm tới 3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thời hạn ưu đãi lãi suất tối đa 3 tháng. Hay BaoViet Bank vừa triển khai chương trình ưu đãi tín dụng có tổng hạn mức cho vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất tối đa 13%/năm đối với khoản vay VND và tối đa 7%/năm với khoản vay USD, thời gian xét duyệt hồ sơ tối đa chỉ 5 ngày…

Khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn kém, cán cân vốn huy động - cho vay của các ngân hàng vẫn nghiêng về phía huy động. Do vậy, hiện tượng vượt trần lãi suất hiện tại, được Tổng giám đốc một NHTM lý giải, trước những tin đồn thất thiệt cũng như các biến động về nhân sự cấp cao của một vài ngân hàng trong thời gian qua, khiến một số khách hàng gửi tiết kiệm băn khoăn không biết nên tiếp tục gửi hay rút tiền về. Nắm được tâm lý này, một số ngân hàng tăng lãi suất để “vợt” khách hàng của các ngân hàng này, gây phản ứng dây chuyền là các ngân hàng phải đồng loạt tăng lãi suất huy động lên để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm, khiến lãi suất huy động trên thị trường tăng đột biến.

“Nhìn vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng, hiện không có vấn đề gì căng thẳng. Nhưng nếu khách hàng cứ rút tiền ra thì bất kỳ ngân hàng nào cũng rất nguy. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm thường là chu kỳ căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ bằng việc xé rào lãi suất. Rõ ràng, đây không phải là hệ lụy của việc mất thanh khoản, mà là hệ lụy của việc vận hành không đúng quy tắc, quy định của hệ thống, pháp luật”, vị tổng giám đốc trên cho biết.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, các báo cáo của NHTM gửi NHNN về tiền mặt, dư nợ trong 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng đều không có vấn đề gì bất thường. Nhưng quan trọng hơn cả, NHNN luôn sẵn sàng đóng vai trò là nơi điều tiết tiền tệ, giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng khó khăn tạm thời và là “người cho vay cuối cùng”.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chờ hành động mạnh mẽ hơn từ NHNN. Nếu lựa chọn việc giữ trần lãi suất, NHNN cần có những biện pháp xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm, thay vì áp dụng các biện pháp xử lý mang tính hành chính, không đủ tính răn đe.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục