Vụ kiện sàn vàng ACB: Hệ lụy từ... quản lý

Vụ ông Trần Trọng Nghĩa (Phú Nhuận, TP HCM) kiện sàn vàng ACB đã qua 2 phiên tòa, nhưng tranh cãi về thời hiệu khởi kiện – nguyên nhân cơ bản khiến yêu cầu của ông Nghĩa bị bác – khiến vụ việc chưa thể dừng lại.
Vụ kiện sàn vàng ACB: Hệ lụy từ... quản lý

Ông Nghĩa cho biết vừa gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ kiện sàn vàng ACB đòi bồi thường 250 tỉ đồng.

Tranh chấp vì... nhầm

Đầu tháng 12/2007, ông Nghĩa ký hợp đồng giao dịch vàng với ACB để kinh doanh trên sàn vàng. Sáng 24/12/2007, ông Nghĩa đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng với giá 15,69 triệu đồng/lượng và được ngân hàng thông báo là đã khớp được 150 lượng, còn 2.850 lượng chưa khớp. Vì vậy, ông Nghĩa đã đặt lệnh hủy 2.850 lượng chưa khớp này và đặt tiếp lệnh khác bán 2.850 lượng.

Đến 9h cùng ngày, ông Nghĩa được nhân viên ngân hàng thông báo lệnh bán 2.850 lượng vàng của ông đã khớp. Tuy nhiên, đến cuối buổi chiều cùng ngày, ông Nghĩa lại nhận được thông báo từ ngân hàng “nhân viên ngân hàng có nhầm lẫn khi thông báo lệnh buổi sáng”. Cụ thể, khi ông Nghĩa đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng thì thực ra đã khớp lệnh bán 2.850 lượng chứ không phải 150 lượng như thông báo ban đầu. Theo ông Nghĩa, sự nhầm lẫn này dẫn đến hậu quả là ông đã đặt lệnh bán khống tiếp 2.850 lượng vàng và vì đã khớp lệnh nên trong tài khoản của ông bị âm 2.700 lượng vàng.

Đến ngày 10/3/2008, ACB tự ý chấm dứt hợp đồng, chấm dứt việc giải ngân đối với ông. Từ ngày 10/3/2008, ông Nghĩa không thể đặt lệnh bán, rút vàng dẫn đến việc ngày 21/3/2008, giá vàng tham chiếu thay đổi dẫn đến tỷ lệ ký quỹ rớt xuống còn 3,7% (thấp hơn tỉ lệ xử lý) và ACB đã tự ý bán 3.000 lượng vàng trên tài khoản của ông Nghĩa. Do không biết ACB chấm dứt hợp đồng với mình nên từ ngày 27/3 đến 1/4, ông Nghĩa đặt lệnh bán tổng cộng 2.750 lượng nhưng không thể đặt lệnh mua. Cho rằng nguyên nhân dẫn đến bị thua lỗ trên sàn vàng là do giao dịch nhầm lẫn, ông Nghĩa yêu cầu ACB bồi thường.

 

Tòa ưu ái DN ?

Qua 2 cấp xét xử, tòa đã tuyên bố bác toàn bộ 3 nội dung khởi kiện của nguyên đơn với lý do các yêu cầu này không có cơ sở hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện.

Theo nhận định của HĐXX, với yêu cầu thứ nhất, nguyên đơn đề nghị Tòa tuyên bố giao dịch ngày 24/12/2007 vô hiệu, buộc ACB phải trả cho ông 2.700 lượng vàng, ông sẽ trả lại cho ACB hơn 42 tỉ đồng. Theo phân tích của Tòa, giao dịch từ ngày 24/12/2007 mà tới ngày 5/10/2011, ông Nghĩa khởi kiện thì đã quá thời hiệu 2 năm kể từ ngày giao dịch thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tương tự, yêu cầu thứ hai của ông Nghĩa đề nghị Tòa tuyên bố giao dịch trong các ngày 27/3, 28/3/2008 và 1/4/2008 (bán 2.750 lượng) là vô hiệu, buộc ACB bồi thường 2.750 lượng vàng này cho ông cũng bị Tòa tuyên bác với lý do quá thời hiệu theo quy định là 2 năm kể từ ngày giao dịch.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Thuận – Công ty luật hợp danh Sài Gòn VN cho rằng, việc “khởi kiện bổ sung” ngày 5/10/2011 là để bổ sung đơn kiện nhằm làm rõ hơn đơn khởi kiện ban đầu, chứ đơn khởi kiện bổ sung không “thay thế” đơn khởi kiện ngày 17/12/2009.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Phúc thẩm - VKSND tối cao tại TP. HCM cũng đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu này của ông Nghĩa, tức yêu cầu ACB trả cho ông Nghĩa 2.700 lượng vàng.

 

... Đến câu chuyện quản lý

Rõ ràng, sự việc này đã cho thấy pháp luật còn bộc lộ rõ một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước. Trước khi gửi đơn lên tòa án, nhà đầu tư đã liên tục khiếu nại lên ACB nhưng nhà đầu tư ra chi nhánh thì chi nhánh chỉ lên hội sở. Lên hội sở, nhà đầu tư được chỉ về chi nhánh với lý do “mọi việc giải quyết ở chi nhánh”! Nếu không nói rằng đây là sự lòng vòng quanh co, thì sẽ là tính thiếu chuyên nghiệp. Đó cũng là thiện ý của nhà đầu tư, nhưng vì thiện ý này mà trở thành... quá thời hiệu khởi kiện thì quả là thiệt thòi.

Hơn nữa, khi báo chí hỏi cơ quan quản lý cao nhất là Ngân hàng nhà nước thì được trả lời là “thuộc trách nhiệm giải quyết của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM”. Nhưng Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, không thể buộc họ giải quyết được vì không có một quy định, cơ chế, chế tài nào cả. Còn nhà đầu tư gửi đơn lên Thanh tra ngân hàng nhà nước, thư đi mà không thấy hồi âm!

Chính vì thiếu một quy định quản lý, nên trong cuộc “đỏ đen” của sàn vàng, thế mạnh thuộc về nơi cầm tiền và cung ứng dịch vụ. Điều thấy rõ nhất là tất cả các quy định đều do ngân hàng tự soạn. Và như vậy nếu có sự cố tiếp theo tương tự thì nhà đầu tư vẫn phải chịu.


DDDN

Tin cùng chuyên mục