Việt Nam phải giám sát thanh khoản và chất lượng tín dụng ngân hàng

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang lan rộng. Tất cả các nước, trong đó có VN đang phải có những kế hoạch ứng phó của mình.
Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát cẩn trọng đối với các NHTM. Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát cẩn trọng đối với các NHTM.

Giám sát cẩn trọng hoạt động NH, chuyển hướng sang thị trường nội địa để duy trì sự tăng trưởng. Xem xét giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng có nguy cơ bị tổn thương... Đó là những nội dung cơ bản trong ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NH (NHNN) trao đổi với chúng tôi.

 

Theo ông, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ tác động thế nào đến thị trường tiền tệ và TTCK Việt Nam ?

 

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang ngày càng nghiêm trọng. Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ và Cục Dữ trữ Liên bang (FED) là nhằm ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng từ các NH đầu tư sang các NHTM mà nền tảng là phải ổn định được thị trường BĐS.

 

Cùng với việc đặt hai tập đoàn cho vay thế chấp Fannie và Freddie dưới sự kiểm soát trực tiếp của Chính phủ và việc cứu vớt AIG - một tập đoàn bảo hiểm tín dụng lớn nhất thế giới, với tổng giá trị bảo hiểm CDS (credit default swaps) lên tới 60.000 tỷ USD, gấp 5 lần GDP của nước Mỹ đều nhằm tới mục đích đó.

 

Một sự kiện tài chính lớn và có nguy cơ kéo dài như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu và Việt Nam . Trước hết, thanh khoản thị trường liên NH quốc tế đang có vấn đề. Lãi suất LIBOR bằng USD tăng đột biến từ 3,1% lên 6,3%, lãi suất liên NH Mỹ lên tới 7%. Điều này khiến nhiều NHTƯ đã và sẽ phải bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính nhằm duy trì thanh khoản của NH. Lãi suất tăng cao có thể ảnh hưởng đến các khoản nợ ngắn hạn của nhiều NH và DN Việt Nam .

 

Một khía cạnh khác, đó là khả năng giảm giá đồng USD trong khi giá vàng đang tăng trở lại có thể gây những xáo trộn về tài khoản tiền gửi của dân cư và DN tại các NH... Tóm lại, Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp do không có các liên kết đầu tư bằng trái phiếu và CP vào các tập đoàn tài chính Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp do sự thu hẹp tài chính, đầu tư và thương mại có thể sẽ lớn và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm.

 

NH Phát triển Châu Á (ADB) gần đây đã khuyến cáo NHNN Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát cẩn trọng đối với các NHTM. Theo ông để đạt hiệu quả, giám sát của NHNN nên tập trung vào lĩnh vực nào trong hoạt động của các NHTM?

 

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ cho thấy, thị trường quốc tế đầy rủi ro với sự bùng nổ của các quỹ đầu tư, NH đầu tư và tác động rất lớn đến hoạt động tín dụng của các NHTM. Việc giám sát cẩn trọng hoạt động NH đang trở nên rất cấp bách, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực là quản lý thanh khoản và quản lý chất lượng tín dụng.

 

Vào thời điểm hiện tại, các NHTM Việt Nam đang có trạng thái thanh khoản tích cực. Tuy nhiên để duy trì thanh khoản dài hạn, các NH cần rà soát lại toàn diện kế hoạch phát triển nguồn vốn và sử dụng vốn, danh mục cho vay và kỳ hạn tài chính còn lại để xây dựng kế hoạch dự phòng thanh khoản hợp lý.

 

Việc giám sát chất lượng tín dụng vẫn còn là vấn đề phức tạp đối với nhiều NH. Trước mắt có thể tập trung giám sát các con nợ lớn và có chính sách đối xử hợp lý đối với từng con nợ, đặc biệt là nợ BĐS.

 

DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang chịu tác động lớn từ lãi suất cho vay cao của các NH, nhưng NH cũng đang chịu áp lực về lãi suất huy động vốn. Giải "bài toán" này thế nào?

 

Thị trường thế giới dưới tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Vì vậy cần có sự chuyển hướng coi thị trường nội địa có vai trò quyết định duy trì tăng trưởng kinh tế trong một - hai năm tới đây. Để làm được điều đó, cần phải giải bài toán lãi suất cho vay và huy động đều đang rất cao hiện nay khiến cho DN và NH đều gặp khó khăn lớn.

 

Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch chuyển hướng như vậy. Bằng việc giảm lãi suất cho vay 1%, giảm dự trữ bắt buộc 1%, hoàn thuế XK, tăng tín dụng BĐS và tiêu dùng, Trung Quốc đã làm yên lòng các DN và NHTM trước cơn bão tài chính Mỹ.

 

Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm thực tế này. Trước mắt có thể cắt giảm dần dự trữ bắt buộc, tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cần chỉ đạo các NHTM có chính sách tín dụng khôn khéo để bảo vệ thị trường BĐS, nhất là có thể tiếp tục tài trợ các dự án đã có sổ đỏ, đang xây dựng cơ sở hạ tầng sớm hoàn thiện để chuyển giao, hoặc bán cho các NĐT tiếp theo để thu hồi nợ.

 

Tháng 10/2008 đã là thời điểm thích hợp cho việc hạ lãi suất cơ bản hay chưa, thưa ông?

 

Còn tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế trong nước, tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều DN và ngân hàng cho thấy tình trạng suy thoái đang diễn ra rất nhanh, nhất là khu vực xây dựng, BĐS, công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tôi cho rằng việc giảm lãi suất cơ bản là không nên, nhưng có thể tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất cho vay bằng các công cụ khác của chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở là cần thiết.

 

Điều quan trọng hơn nữa là các NHTM cần rà soát lại danh mục tín dụng và sẵn sàng cấp tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thể có khó khăn tạm thời, nhưng sẽ vượt qua trong trung hạn nếu được cung ứng đủ vốn.

 

NH và DN cần lưu ý rằng, điểm khó khăn nhất của kinh tế vi mô (không phải vĩ mô) vẫn còn ở phía trước. Sự hợp tác để cùng tồn tại và vượt qua thử thách cam go này giữa NH và DN là vấn đề sống còn.


Tin cùng chuyên mục