Vay vốn rẻ mua nhà, nhiều lựa chọn

(ĐTCK) Để kích cầu được tín dụng cá nhân, nhất là với tín dụng bất động sản nhà ở, các ngân hàng thương mại đang đưa ra nhiều ưu đãi về lãi suất, thậm chí có nhà băng đưa ra mức lãi suất 0%/năm.
Vay vốn rẻ mua nhà, nhiều lựa chọn

> Doanh nghiệp vẫn “dài cổ” chờ gói 30.000 tỷ đồng

> Tìm “ven” bơm vốn vào bất động sản

> Tiền mới đổ vào bất động sản  

Cơ hội ngày càng nhiều

Nếu như trước đây, chỉ có các ngân hàng thương mại lớn, dồi dào thanh khoản mới mở rộng cho vay đối với khách hàng cá nhân, kể cả nhu cầu vốn vay mua nhà để ở, thì nay, hầu hết các nhà băng đang đẩy mạnh tín dụng ở phân khúc này.

Lý do chính khiến các nhà băng “rộng lòng” hơn là do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chưa đạt được phân nửa mục tiêu đề ra 12%. Vì thế, các nhà băng đang ra sức kích cầu tín dụng, với kỳ vọng hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện chưa cải thiện, nên các ngân hàng phải đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân. Trong đó, tín dụng nhà ở được hầu hết các ngân hàng quan tâm, với lãi suất cho vay ngày càng giảm, với kỳ vọng thu hút được người vay.

Vay vốn rẻ mua nhà, nhiều lựa chọn ảnh 1

Hướng ứng gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nhiều ngân hàng thương mại tung ra các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn

Chẳng hạn, VietBank đang triển khai 2 gói chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà để ở dành cho khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập ổn định từ lương, với lãi suất thấp nhất là 0%/năm cho tháng đầu tiên.

Cùng với xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất của các ngân hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã hạ tiếp trần lãi suất huy động xuống 7%/năm, tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng cá nhân tiếp cận vốn giá rẻ mua nhà, căn hộ để ở.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng, cầu phân khúc khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà luôn có, song do thời gian qua, lãi suất cao, nên khách hàng chưa sẵn sàng vay. Đến nay, khi mặt bằng lãi suất giảm khá nhiều so với trước, từ mức 16 - 18%/năm, xuống còn 9 - 11%/năm, đồng thời, giá bất động sản cũng từng bước điều chỉnh về mức hợp lý hơn, nên khách hàng bắt đầu tính toán để vay, dù chưa nhiều như kỳ vọng.

Sacombank hiện đang triển khai gói 1.600 tỷ đồng ưu đãi cho vay đối với các khách hàng cá nhân nhằm mục đích mua, xây dựng hoặc sửa chữa nhà với lãi suất từ 9 - 11%/năm, khoản vay tối đa 100% giá trị, với số tiền vay ưu đãi tối đa lên đến 5 tỷ đồng và thời hạn vay tối đa 15 năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng lựa chọn một số dự án tốt để cho vay.

Tại ACB, khách hàng có nhu cầu vay vốn từ 300 triệu đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà ở, tiêu dùng, xây dựng hoặc sửa chữa nhà, sẽ có nhiều sự lựa chọn từ các gói vay cố định lãi suất trong 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng với mức ưu đãi lãi suất thấp nhất là 9,99%/năm. Ngoài ra, ACB còn cho vay tín chấp lên đến 500 triệu đồng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, trong năm nay, HDBank sẽ đẩy mạnh triển khai dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân, nhất là với tín dụng bất động sản tiêu dùng, bên cạnh việc đẩy mạnh vốn hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Trung cho rằng, đây là thời điểm tốt cho các chương trình tín dụng trên, vì lãi suất đang giảm dần và Ngân hàng nhận thấy sự quan tâm cao từ phía khách hàng có nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng cũng như vay mua nhà ở. HDBank đang triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi 0%/năm, cố định trong 12 tháng đối với khách hàng vay mua căn hộ Dragon Hill Residence and Suites.

Tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản của HDBank hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ của Ngân hàng.

Không chỉ các nhà băng nội, các ngân hàng nước ngoài cũng đưa ra nhiều gói tín dụng nhà ở cạnh tranh về lãi suất. ANZ đang triển khai gói tín dụng với lãi suất 6,5%/năm, áp dụng cho 3 tháng đầu, sau đó lãi suất là 10,5%/năm (đối với kỳ hạn đổi lãi 1 tháng). Ngoài ra, ANZ còn áp dụng lãi suất vay cố định 12,5%/năm trong 2 năm.

 

Thêm gói “mồi” 30.000 tỷ đồng

Ngoài các gói tín dụng mà nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai, thị trường bất động sản còn được tiếp thêm nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng đang được triển khai. Hiện cả 5 ngân hàng được chỉ định tham gia gói hỗ trợ này đang dần đẩy vốn ra thị trường.

Là một trong 5 ngân hàng tham gia gói 30.000 tỷ đồng, BIDV đăng ký và dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở. Lãnh đạo của BIDV cho biết, trong 2 - 3 năm đầu, trọng số cho vay đối với doanh nghiệp và người mua nhà dự kiến ở mức khoảng 60/40, sau đó giảm dần vào năm thứ tư khoảng 30/70.

Dù mức lãi suất mà gói hỗ trợ đưa ra rất hấp dẫn, 6%/năm kéo dài trong 10 năm, nhưng nhiều chuyên gia cho biết, thời gian cho vay vẫn còn ngắn, tạo áp lực trả nợ hàng tháng lớn cho người vay, nhất là với người có thu nhập thấp. Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM khiến nghị, nên tăng thời hạn cho người vay mua nhà từ gói hỗ trợ này lên 20 năm, nếu không thì tối thiểu cũng là 15 năm mới phù hợp.

Trả lời Hiệp hội bất động sản TP. HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, Thông tư 11/2013 của NHNN đã quy định thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm tối đa là 10 năm. Các ngân hàng khi nhận hồ sơ vay mua nhà ở của khách hàng sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhu cầu vay thực tế, thời hạn vay thực tế, khả năng trả nợ của khách hàng để ra quyết định giải ngân phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu khách hàng cá nhân có nhu cầu vay dài hơn thời hạn 10 năm, thì từ năm thứ 11 trở đi sẽ áp dụng theo lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.

Hiện nay, tồn kho bất động sản đang diễn ra trên tất cả các phân khúc, trong đó, phân khúc căn hộ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện tồn trên 16.500 căn hộ chung cư, 4.200 căn nhà thấp tầng và 26.000 m2 nhà văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, một số công ty nghiên cứu và kinh doanh bất động sản cho rằng, lượng tồn kho bất động sản có thể lớn hơn nhiều. Cụ thể, Dragon Capital cho rằng, con số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70.000 căn ở cả TP. HCM và Hà Nội. Trong khi đó, theo CBRE, tính đến nay, số căn hộ còn tồn tại Hà Nội khoảng 21.000 căn, TP. HCM 18.000 căn.

Với lượng tồn kho bất động sản lớn như trên, việc kích cầu tín dụng cho lĩnh vực này là giải pháp tốt để thị trường bất động sản thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, mâu thuẫn chủ yếu của thị trường bất động sản hiện nay chính là lượng tồn kho đối với phân khúc căn hộ rất nhiều, trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của đông đảo người dân vẫn còn rất lớn. Vì thế, giải quyết được mâu thuẫn này sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải cứu tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Trong đó, việc ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà cũng sẽ góp phần giải quyết mâu thuẫn trên.

Vì thế, theo đề xuất của một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, NHNN cần có cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở như không tính trong dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản; có các cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đối với dư nợ cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở như tái chiết khấu với lãi suất ưu đãi, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với số dư cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở… để các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay mua nhà; khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng cho vay cá nhân mua nhà.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục