VAMC sau 1 năm, thực tế còn xa với kỳ vọng

(ĐTCK) Ngày 26/7/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức khai trương Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.
Việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn đang bế tắc Việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn đang bế tắc

Kỳ 1: trận đồ không chuẩn bị trước

VAMC nhận được rất nhiều kỳ vọng sẽ là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại một năm ra đời của VAMC, thực tế vẫn còn xa với kỳ vọng.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, sau một năm hoạt động, VAMC đã thu được những kết quả nhất định. Tính đến ngày 30/6/2014, VAMC đã mua được hơn 2.684 khoản nợ của 34 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc đạt gần 52.000 tỷ đồng. VAMC đã thực hiện phân loại 145 khoản nợ đã mua, với dư nợ gần 15.000 tỷ đồng, bên cạnh đó đang thực hiện cơ cấu lại nợ cho 112 khách hàng có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh với dư nợ gốc hơn 9.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, VAMC mua 1.047 khoản nợ xấu từ 477 khách hàng của 29 tổ chức tín dụng, với tổng số dư nợ gốc 12.533 tỷ đồng.

“Điều đáng ngạc nhiên là tốc độ mua nợ xấu của VAMC giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi riêng quý IV/2013, Công ty này mua 39.000 tỷ đồng nợ xấu. Và với tốc độ này, nếu không có giải pháp kịp thời, VAMC chưa chắc đã thực hiện mục tiêu mua khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định.

Tính đến nay, VAMC đang thực hiện miễn giảm lãi cho 10 khách hàng của 6 tổ chức tín dụng với tổng số tiền miễn giảm lãi xấp xỉ 56 tỷ đồng. Hơn thế, VAMC trực tiếp cùng tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm của 17 khách hàng với dư nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng; VAMC ủy quyền cho tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm của 284 khách hàng với giá trị tài sản bảo đảm là 9.605 tỷ đồng; VAMC ủy quyền cho các tổ chức tín dụng khởi kiện đối với 300 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 5.640 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, vẫn chưa thấy VAMC đề cập đến việc bán được bao nhiêu nợ”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Nhìn lại Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc NHNN về việc thành lập VAMC; trong đó đã ghi rõ, bên cạnh các hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ VAMC còn có hoạt động xử lý, bán nợ. Trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK cuối năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hùng, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực VAMC đã cho biết, ít nhất phải đến năm 2014, công ty này mới tiến hành bán nợ.

Đến đầu tháng 5/2014, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng vẫn nói: “Muốn bán nợ, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ. Hiện chúng tôi phải rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật kết hợp với thực tiễn, vì đây là một hoạt động hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù hành lang pháp lý hiện đã có, nhưng cần điều chỉnh lại cho phù hợp, sát với thực tiễn hơn”.

Nhìn nhận về việc xử lý nợ xấu của VAMC, vị chuyên gia kinh tế trên cho rằng, đến nay, VAMC mới thành lập đơn vị bán và xử lý nợ, nghĩa là VAMC mới được kiện toàn một bước về tổ chức và hoạt động. Trong khi đó, từ khi mua nợ, VAMC đã sàng lọc rất cẩn thận, nghĩa là nợ xấu nhưng thực chất là món nợ tốt, nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc bán nợ nên việc xử lý nợ của VAMC vẫn đang bế tắc.

Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanma và Thái Lan nói: "Chúng ta vẫn chưa có những thông tin rõ ràng rằng các khoản nợ xấu sau khi về VAMC sẽ được giải quyết như thế nào?".

Mặc dù tại buổi khai trương VAMC, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã chia sẻ, theo kinh nghiệm của nhiều nước, công ty mua bán nợ được coi như là một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ xấu, cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của tổ chức tín dụng, nhưng không ít mô hình tại các nước đã thất bại. Do đó, quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam phải có bước đi thận trọng, khôn khéo, phù hợp thực tiễn trong nước. Trong quá trình hoạt động, cán bộ của VAMC phải năng động, tìm tòi, sáng tạo để áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện và tình hình kinh tế Việt Nam. VAMC phải có những kế hoạch, lộ trình cụ thể, tạo nên những bước đi vững chắc, đồng thời với việc công khai minh bạch, rõ ràng trong mọi hoạt động…

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, VAMC ban đầu ra đời là một trong những công cụ góp phần giải quyết vấn đề nợ xấu tạm thời, chứ không phải là vĩnh viễn, nên với đòi hỏi cao hơn hiện nay, có lẽ VAMC đang đi vào trận đồ mà không có sự chuẩn bị trước.

Kỳ II: Thị trường nói gì về VAMC

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục