VAMC sau 1 năm, thực tế còn xa kỳ vọng - Kỳ 3: “Cần có cái nhìn cân bằng về VAMC”

(ĐTCK) “Các ý kiến bình luận về VAMC chúng tôi xin lắng nghe rồi đối chiếu vào hoạt động của mình, tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có cái nhìn cân bằng từ thị trường. 
VAMC sau 1 năm, thực tế còn xa kỳ vọng - Kỳ 3: “Cần có cái nhìn cân bằng về VAMC”

VAMC hiện vừa phải làm, vừa phát quang để tìm ra con đường có lợi ích nhất cho nền kinh tế mà đồng thời cũng phải đi dò tìm lẽ phải để bảo vệ chính mình”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Cân nhắc mua vì lợi ích doanh nghiệp, ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn lại một năm hoạt động của VAMC, thực tế không giống như kỳ vọng. Ông có bình luận gì?

Đến thời điểm hiện nay, VAMC đã mua 54.000 tỷ đồng nợ gốc với giá mua 44.800 tỷ đồng. Riêng hơn 6 tháng đầu năm  nay, VAMC mới chỉ mua 14.857 tỷ đồng nợ gốc với 12.093 tỷ đồng giá mua. Về thu hồi nợ, nếu như năm 2013, Công ty chỉ thu được 145 tỷ đồng thì đến nay đã thu được 1.260 tỷ đồng và đã bán được một khoản nợ với giá 440 tỷ đồng và đang triển khai bán khoản nợ thu về gần 90 tỷ nữa.

Trong thời gian này, VAMC cũng đã phân loại, cơ cấu lại nợ cho 114 khách hàng với số tiền trên 9.000 tỷ đồng, điều chỉnh miễn giảm lãi và xem xét khách hàng được vay vốn với số tiền hơn 450 tỷ đồng với hạn mức trên 900 tỷ đồng; đang đấu giá một khoản nợ 390 tỷ đồng, ủy quyền cho các TCTD đấu giá… Bên cạnh đó, VAMC vẫn đang phối hợp với các TCTD đôn đốc thu hồi nợ, khởi kiện và có những giải pháp với cơ quan chính quyền địa phương, kiểm tra các khoản nợ đã mua về tính pháp lý…

6 tháng đầu năm, VAMC mới chỉ mua được 14.857 tỷ đồng trong khi kế hoạch đặt ra là 70.000 - 100.000 tỷ đồng. Liệu Công ty có đạt được kế hoạch trong 6 tháng cuối năm, theo ông?

Kết quả đến nay mọi người có thể cho là chưa đạt được kế hoạch, nhưng như thế không có nghĩa là mục tiêu 70.000 tỷ đồng cả năm không thể đạt được. 6 tháng đầu năm, các TCTD cũng đã tham gia tích cực bán nợ xấu cho VAMC, nhưng họ cũng phải xét kỹ xem bán nợ xong thì được gì và chịu áp lực gì về mặt tài chính. Bên cạnh đó, đến cuối tháng 4/2014, nhiều TCTD mới họp ĐHCĐ để có thể thông qua kế hoạch bán tiếp nợ xấu cho VAMC. Đến giờ phút này, các TCTD đăng ký bán nợ xấu cho VAMC trong quý II đã thực hiện đúng tiến độ. Ngoài ra, các TCTD cũng đã đăng ký bán nợ cho VAMC từ giờ đến cuối năm, đảm bảo đạt được kế hoạch hơn 70.000 tỷ đồng.

Liệu có phải một số TCTD muốn để cuối năm mới bán nợ xấu, nhằm có báo cáo “đẹp” về lợi nhuận 6 tháng đầu năm?

Như tôi đã nói ở trên, các TCTD bán nợ phải có kế hoạch tài chính, trích lập dự phòng rủi ro những khoản nợ đã bán năm trước và năm nay, đồng thời phải xem lại việc tự xử lý nợ. Ngoài ra, các TCTD, xét về mặt tâm lý, cũng muốn dồn việc bán nợ xấu vào cuối năm, không phải để chạy nợ xấu mà để giãn thời hạn phải chịu áp lực về mặt tài chính.

Chưa vội bán vì lợi ích nền kinh tế

Cụ thể hơn về việc bán nợ, VAMC đã làm gì thời gian qua, thưa ông?

Mua nợ xấu về rồi cần có thời gian phân loại nợ và trong chừng mực nào đó, rất may là thời gian vừa qua, các TCTD không dồn dập bán nợ, nếu không, VAMC lấy đâu ra thời gian để kiểm tra, phân loại vì lực lượng cán bộ mỏng, chưa đến 100 người. VAMC đã phân chia các khoản nợ, làm việc trực tiếp với các TCTD để xác định rõ TCTD làm gì và VAMC làm gì; đi cùng TCTD xuống gặp khách hàng để cơ cấu lại nợ, điều chỉnh, miễn giảm lãi, đặt vấn đề thu giữ tài sản; làm việc với UBND, công an phường và bên cạnh những nơi chưa hợp tác thì có nơi đã tham gia vào công cuộc xử lý nợ… Nhiều trường hợp TCTD đến đòi nợ, khách hàng không tiếp, tuy nhiên, khi VAMC gửi văn bản đòi nợ thì đều có phúc đáp. Như vậy, rõ ràng đã có những biến chuyển khi có sự xuất hiện của VAMC.

Ông nói gì về việc bán nợ chậm và tỷ lệ quá ít so với mua nợ như vậy?

Phần lớn khách hàng làm việc với VAMC đều cam kết sẽ trả nợ trong 3, 4 tháng, hoặc tự bán tài sản để trả nợ, trường hợp không xử lý tài sản được sẽ bàn giao cho VAMC xử lý. Chúng tôi không thể ép vì theo cơ chế hiện nay, việc bán nợ phải được thực hiện trên cơ sở thương lượng giữa các bên, nghĩa là phải có sự đồng thuận, thống nhất của con nợ, chủ nợ liên quan đến xử lý tài sản. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, VAMC rất muốn bán, nhưng có những khoản nợ đưa ra đấu giá đến 10 lần chưa xong. VAMC có thể thuê công ty độc lập vào định giá và có thể bán nhanh nếu chấp nhận giá theo giá thị trường tại thời điểm đấu giá. Tuy nhiên, nếu sau đó giá tăng thì ai chịu trách nhiệm? Hành lang pháp lý hiện tại chưa có điều khoản bảo vệ cán bộ VAMC.

Được biết, tháng 6 vừa rồi đã có Thông tư liên tịch giữa 3 bộ về xử lý tài sản đảm bảo?

Đúng vậy, Thông tư liên tịch số 16/2014 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những điểm mới, tạo sự chủ động hơn cho ngân hàng về thủ tục xử lý tài sản. Nhưng với một số vấn đề, nếu chỉ dựa vào Thông tư này để giải quyết thì chưa đáp ứng được nhu cầu minh bạch, rõ ràng, thông thoáng, trợ giúp ngân hàng trong xử lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại là, tại sao nhiều chuyên gia cho rằng VAMC phải bán nợ ngay? Tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng, vấn đề xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu cần phải nhìn vào bài toán tổng thể: lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp, TCTD… Bán nợ nhanh rất đơn giản, chấp nhận giá thấp là xong, nhưng thiệt thòi ai chịu và quan trọng là hiệu quả ở đâu? Trong việc này, cần đặt mình vào vị trí của con nợ: nếu thấy con nợ bán dự án mà không trả được nợ thì cũng cần tạo cơ hội để họ có thời gian tự xử lý. Trường hợp khoản nợ xấu càng để lâu càng mất giá thì phải tiến hành phát mại ngay không thể kéo dài dẫn đến mất giá và mất cơ hội. Hiện nay, các TCTD đã bán nợ cho VAMC trên 54.000 tỷ đồng, song chưa TCTD nào mất thanh khoản và gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng.

Kế hoạch bán nợ từ nay đến cuối năm 2014, VAMC đặt ra như thế nào, thưa ông?

Chắc chắn, bán nợ là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng phải vì lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp và TCTD. Với kế hoạch bán 2.500 tỷ đồng nợ trong năm 2014 mà 6 tháng đầu năm đã thu nợ và bán được 1.260 tỷ đồng, tôi rất kỳ vọng cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch. Nhưng công việc chính vẫn là tập trung vào mua nợ, cơ cấu nợ, xem xét doanh nghiệp nào có khả năng cứu, hỗ trợ trong lúc khó khăn và thậm chí ngay TCTD cũng đang gặp nhiều khó khăn, áp lực khi phải trích lập dự phòng rủi ro.

Có vẻ như VAMC chỉ là “chiếu nghỉ” cho khác khoản nợ xấu?

Đúng vậy, tôi không loại trừ khả năng đây là “chiếu nghỉ” cho các khoản nợ xấu, nhưng nó có lợi ở những điểm sau: thứ nhất, TCTD được đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối, các doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ được tiếp tục vay vốn; thứ hai, khi bán khoản nợ có tài sản đảm bảo, tài sản xử lý phát mại sẽ liên quan đến quyền lợi của cả doanh nghiệp vay và TCTD, bán càng thấp thì doanh nghiệp, TCTD càng thiệt. Còn nếu để tại VAMC, tôi tin tưởng, thời gian tới, khi thị trường bất động sản ấm lên (70 - 80% tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản), các dự án có người quan tâm, đổ tiền vào đầu tư tiếp… thì giá tài sản sẽ phục hồi và nợ xấu sẽ đẹp trở lại, giúp giảm bớt thiệt hại cho cả doanh nghiệp và TCTD.

Trong cuộc trao đổi trước, ông có nhắc đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nợ xấu của VAMC, tình hình hiện nay ra sao?

Có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến trả giá nhưng chưa tìm được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp, TCTD, bên cạnh đó, có nhà đầu tư nước ngoài vào mua nợ xấu nhưng chưa có phương án khả thi tiếp tục triển khai dự án như thế nào, chưa kể họ chỉ trả giá bằng 1/3 giá trị tài sản nên chúng tôi cũng chưa bán.

Thị trường bình luận về VAMC khá nhiều, tích cực có, chưa tích cực cũng có. Là người đứng đầu tổ chức này, ông có cảm nhận gì?

Các ý kiến bình luận chúng tôi xin lắng nghe rồi đối chiếu vào hoạt động của mình. Điểm nào làm được mà thị trường chưa rõ, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thông tin nhiều hơn và điểm nào chưa được, chúng tôi sẽ nỗ lực để giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn thị trường có cái nhìn cân bằng về VAMC. Trước đây, Việt Nam chưa có một mô hình VAMC như hiện nay, nên chúng tôi phải vừa làm, vừa dò đường, vừa phát quang để tìm ra con đường có lợi nhất cho nền kinh tế. Nợ xấu không có nguồn ngân sách để xử lý, nhưng bằng mọi giá phải đặt lợi ích nền kinh tế trên hết, khách hàng (người vay), TCTD phải được hạn chế rủi ro mất mát một cách thấp nhất.

Ngoài ra, với nguồn vốn 500 tỷ đồng, lực lượng cán bộ 100 người quản lý 54.000 tỷ đồng nợ xấu, cùng với nhiều vướng mắc liên quan đến nghiệp vụ, chúng tôi cũng có nhiều khó khăn. Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao là tạo ra sự minh bạch, công khai, rõ ràng, hiệu quả… hơn, nhưng mọi việc không thể nóng vội, đặc biệt liên quan đến lợi ích nền kinh tế.

Tôi cũng xin nhấn mạnh một lần nữa, VAMC không phải là cây đũa thần mà chỉ là một trong những công cụ xử lý nợ xấu của các TCTD, bên cạnh rất nhiều công cụ khác.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục