VAMC - Kỳ vọng và băn khoăn

(ĐTCK) Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đang được ráo riết hoàn thiện các thủ tục và cơ chế hoạt động. Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng hầu hết các chuyên gia vẫn băn khoăn về hiệu quả của công ty này. Đầu tư Chứng khoán tổng hợp ý kiến chuyên gia.
VAMC - Kỳ vọng và băn khoăn

“Chúng tôi rất mong VAMC sớm đi vào hoạt động”

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

VAMC là chủ trương lớn của Chính phủ nên chúng tôi rất kỳ vọng công ty này sẽ phần nào giải quyết được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trước khi VAMC ra đời, bản thân ngân hàng cũng đã phải tự xử lý nợ xấu, nhưng với việc Công ty ra đời, ngân hàng có thêm công cụ thì chắc chắn sẽ xử lý được nợ xấu nhiều hơn. Ngân hàng chúng tôi vẫn đang chờ đợi các hướng dẫn, phân loại, cách thức xử lý cụ thể của NHNN và tuân thủ, từ đó mới đánh giá VAMC giúp ngân hàng xử lý được khoảng bao nhiêu nợ xấu. Do đó, chúng tôi rất mong VAMC sớm đi vào hoạt động. Liên quan đến vấn đề nên xử lý tài sản nợ xấu nào trước, theo tôi, tùy tình thế của thị trường, độ thông thoáng của cơ chế chính sách và bên cạnh đó là có sự đồng thuận ý kiến của khách hàng.
 

“VAMC cần hoạt động theo nguyên tắc khẩn trương, minh bạch, theo cơ chế thị trường”

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Cơ chế hoạt động của VAMC có những khác biệt so với quốc tế và hoạt động của Công ty có nhiều khó khăn: sau khi nhận nợ xấu về, VAMC chuyển giao luôn nợ lại cho NHTM để NHTM  đi đòi nợ, trong khi đó, ở nước ngoài, VAMC mua nợ xong có thể bán đứt đoạn cho một bên thứ ba; mua theo giá sổ sách; nợ xấu liên quan đến DN nhà nước rất “bùng nhùng”; tài sản đảm bảo là bất động sản không dễ thanh lý, chưa kể sự phức tạp về mặt pháp lý.

VAMC cần đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, nợ xấu còn đó sẽ gây nghẽn mạch vốn, ngân hàng không dám cho cho vay. Các bộ, ngành cũng cần có chỉ đạo rõ ràng trong việc ưu tiên xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai. Cần xác lập rõ lĩnh vực, thị trường ưu tiên để xử lý nợ xấu. Phải có sự quan tâm đặc biệt sát sao, tạo ra thị trường mua bán nợ, NHTM cần chủ động hoàn thiện hồ sơ mua bán nợ, hỗ trợ thị trường bất động sản nhanh, mạnh. Nguyên tắc vận hành là khẩn trương, rõ ràng, minh bạch, càng trên cơ sở cơ chế thị trường càng tốt.

 

“Cần nhiều bước đi nữa để VAMC trở thành một công cụ hữu ích”

Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng WB

Còn cần rất nhiều bước đi nữa để VAMC trở thành một công cụ hữu ích. Trong số đó phải kể tới các nội dung như: Mức độ nợ xấu/ghi nhận tổn thất: Mức độ nợ xấu trong nền kinh tế dường như đang lớn hơn, do đó, khả năng tiến hành các cải cách thực sự với các khoản nợ/tài sản sẽ bị hạn chế.

Tích vào kho hoặc bán: Nếu tài sản mua về được cất giữ vào kho, làm sao duy trì được giá trị tài sản nếu không có các hành động thực tế nào được triển khai để giữ các tài sản này? Có cần đội ngũ chuyên gia làm việc này không? Trong khi đó, nếu việc bán đấu giá được thực hiện, điều quan trọng là cần thiết lập được một cơ chế minh bạch về các tài sản này.

Tiếp cận tự nguyện: Làm sao để khuyến khích các ngân hàng tham gia vào quá trình này? Cần làm rõ một số nguyên tắc, như về giá, chuyển giao, tiếp cận thanh khoản…

Quản trị và đảm bảo thành công: Làm sao đảm bảo tính khách quan? Đặc biệt đối với những khoản nợ/tài sản có liên quan đến các NHTM nhà nước và các DNNN.

Môi trường pháp lý thuận lợi: Việc thành lập VAMC chỉ là bước đi đầu tiên vì chúng ta thấy vấn đề không chỉ nằm trong ngành ngân hàng mà nằm trong nền kinh tế.

 

“Giá như VAMC ra đời cách đây 12 - 18 tháng trước, nhưng muộn còn hơn không”

Bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc VIB

Nợ xấu kéo các ngân hàng và nền kinh tế đang lao dốc, nên nếu xử lý được vấn đề nợ xấu sẽ giúp kinh tế Việt Nam có thể giữ đà giảm tốc và tang trưởng trở lại. Tôi mong Chính phủ và NHNN tạo điều kiện, tạo nhiều kênh giải quyết nợ xấu càng nhanh càng tốt. Nếu như VAMC được ra đời cách đây khoảng 12 - 18 tháng trước sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân hàng nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhưng muộn còn hơn không. Tuy nhiên, nếu hy vọng đây là kênh duy nhất xử lý nợ xấu là không thực tế mà các ngân hàng nên coi VAMC như là chất xúc tác, giúp các ngân hàng nhìn nhận một cách nghiêm túc câu chuyện nợ xấu của chính mình.

Từ đó, mỗi ngân hàng sẽ cùng với Chính phủ tìm ra giải pháp  cho vấn đề này, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh bản thân mỗi ngân hàng cũng cần đưa ra những hành động cụ thể để giải quyết càng sớm càng tốt vấn đề nợ xấu của chính ngân hàng mình trước. Với các ngân hàng dư vốn có thể tự động giải quyết một phần, bán một phần khoản nợ cho những ai muốn mua… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần một khung pháp lý hoàn thiện hơn, cần sự phối hợp của cơ quan, bộ, ngành để đưa ra cơ chế phù hợp.

 

“Tiến trình hoạt động của VAMC cần được bắt đầu bằng việc minh bạch hóa nợ xấu”

TS. Nguyễn Trí Hiếu,  chuyên gia ngân hàng

VAMC khi đi vào vận hành cần rất ráo riết với những cơ chế cụ thể như mua nợ gì, thực hiện như thế nào, giám sát của NHNN ra sao, tỷ lệ chiết khấu, lãi suất bao nhiêu…? Mọi người kỳ vọng rất nhiều vào VAMC là công cụ để xử lý nợ xấu, nhưng phải khẳng định, VAMC không phải là “cây đũa thần” để giải quyết toàn bộ nợ xấu.

Bên cạnh đó, VAMC có những giới hạn, như công ty này mua nợ xấu như thế nào khi nhiều ngân hàng tái cơ cấu nợ lại đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Trong khi đó, các ngân hàng mong muốn xử lý nợ xấu với tỷ lệ thấp để không phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận, chia cổ tức…

Khi VAMC đi vào vận hành, tài sản liên quan đến bất động sản cần phải được xử lý đầu tiên, vì nợ liên quan đến bất động sản khá lớn. Trong khi đó, gói 30.000 tỷ đồng cho bất động sản đã được triển khai, giúp mua bán và giải quyết hàng tồn kho, nhà cửa cho dân chúng và tạo được tính thanh khoản cho nợ xấu. VAMC đã đưa ra công cụ không cần ngân sách quốc gia, bắt đầu đi vào tiến trình giải quyết nợ xấu… tuy nhiên, tất cả các tiến trình chỉ thực hiện hiệu quả được với tiền đề nợ xấu rõ ràng, minh bạch.

Hồng Dung thực hiện.
Hồng Dung thực hiện.

Tin cùng chuyên mục