VAMC: Hướng tới tạo lập thị trường mua - bán nợ

(ĐTCK) “VAMC không phải là cái kho, mua nợ về để đấy, 5 năm sau trả lại các TCTD, mà sẽ đặt mục tiêu cao nhất là thu hồi nợ cũng như hỗ trợ DN vượt khó. Tuy nhiên, để bán được nợ cần phải có thời gian…”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) chia sẻ. 
VAMC: Hướng tới tạo lập thị trường mua - bán nợ

Xin ông cho biết kết quả hoạt động của VAMC tính đến nay?

Tính đến nay, VAMC đã mua được 45.200 tỷ đồng nợ gốc của 2.039 khoản nợ của 35 TCTD với giá trị trái phiếu là 37.745 tỷ đồng. Nhưng đây chỉ là bước hỗ trợ ban đầu để các TCTD làm sạch bảng cân đối của mình. Tuy nhiên, nhiệm vụ của VAMC không dừng lại ở đây. Những bước tiếp theo của VAMC là tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, tiếp tục triển khai tái cơ cấu miễn giảm giá, cụ thể như vừa rồi, VAMC đã giảm lãi suất về còn 10,7%/năm đối với những khoản nợ đã mua về. Tuy nhiên, chỉ những khoản nợ đáp ứng được yêu cầu mới được giảm lãi suất và yêu cầu đó thường gắn với khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh đủ cao của DN vay.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục triển khai việc bán nợ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và là trọng tâm trong năm 2014. Tuy nhiên, muốn bán nợ thì phải sàng lọc, đánh giá, xem xét, phân tích những khoản nợ đã mua, xem khoản nào có thể tái cấu trúc được, khoản nào thuộc về những DN có thể vượt qua khó khăn... để có giải pháp xử lý phù hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều khoản nợ có thể xử lý bằng cách giảm giá, điều chỉnh kỳ hạn, hay hỗ trợ DN thông qua bảo lãnh cho vay vốn. Với những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản dở dang thì vẫn có thể chấp nhận cho DN được cộng thêm các tài sản hình thành trong tương lai. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho DN được vay vốn và vượt qua được khó khăn. Hiện VAMC đang triển khai công việc này, nhưng do mới triển khai nên chưa có kết quả cụ thể.

Còn việc bán nợ thì sao, thưa ông?

Muốn bán nợ cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ. Hiện chúng tôi phải rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật kết hợp với thực tiễn, vì đây là một hoạt động hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù hành lang pháp lý hiện đã có, nhưng cần điều chỉnh lại cho phù hợp, sát với thực tiễn hơn.

Ví dụ, muốn bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, trước hết phải có quy định những khoản nợ nào được bán; tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu; quy định về việc sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài thế nào...? Mục đích cuối cùng của các nhà đầu tư khi bỏ vốn mua nợ là phải xử lý hiệu quả khoản nợ đó ngay chứ không mua để đấy và chờ lên giá để bán. Nếu một tổ chức nào đó đề xuất mua nợ rồi để đó, chờ lên giá để bán, thì chi bằng để nợ đó tại VAMC.

Quan điểm của chúng tôi là phải tạo điều kiện thật sự cho DN. Việc mua nợ của DN trong lúc khó khăn, suy thoái là để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Như vậy, hành lang pháp lý cũng phải đảm bảo lợi ích của DN, của nền kinh tế.

Tính đến nay, VAMC đã mua được 45.200 tỷ đồng nợ gốc của 2.039 khoản nợ của 35 TCTD

Ông có thể nói rõ hơn về hành lang pháp lý cho lĩnh vực này?

Như tôi đã nói, hiện hành lang pháp lý về cơ bản là có, nhưng cần được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ví dụ, đối với nhà đầu tư nước ngoài mua nợ thì phải có những điều kiện gì; quy định về sở hữu thế nào; tỷ lệ sở hữu là bao nhiêu...? Ngoài ra là trách nhiệm của DN như thế nào khi bán nợ với giá thấp; khả năng xử lý ra sao…?

Đơn cử như tài sản lúc định giá là 50 tỷ đồng nhưng giờ chỉ còn 30 tỷ đồng thì trách nhiệm thuộc về ai, do thị trường hay do chủ quan? Hay như khi bán hết tài sản của khách hàng đi rồi mà vẫn không hết nợ thì xử lý thế nào? Nếu tiếp tục nhận nợ thì nhận ra sao? Rồi trong trường hợp khoản nợ trong tương lai tăng giá thì DN có khúc mắc gì?... Nếu cách xử lý các vấn đề này được quy định rõ ràng thì việc phát mại tài sản rất đơn giản.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc định giá tài sản nợ khó khăn là do hiện nay chúng ta chưa có thị trường mua - bán nợ. Ông nghĩ sao?

Ý kiến đó cũng không phải là không có lý. Tuy nhiên, hiểu một cách nôm na thì thị trường như một cái chợ, mà muốn có chợ thì phải có người mua, kẻ bán, phải có sản phẩm. Hiện chúng tôi đang phân loại các khoản nợ cũng như các tài sản đảm bảo, rồi giới thiệu trên trang web. Khi trang web này phát triển với nhiều thông tin rõ ràng, minh bạch, phục vụ tốt cả bên mua lẫn bên bán thì đấy là thị trường.

Về mặt quyền năng, VAMC có bản chất là một DN nhà nước đang thực thi nhiệm vụ của Nhà nước giao cho là xử lý nợ xấu. Và đã là nợ xấu thì không chỉ có TCTD, mà tất cả các DN có nợ xấu đều có thể đề nghị VAMC đứng ra xử lý. Điều này có nghĩa, khi đã tạo ra chợ rồi, VAMC sẽ là chủ, ai muốn vào chợ thì phải hỏi VAMC, giới thiệu hàng cho VAMC. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì VAMC phải nâng cao năng lực trình độ để tạo ra chợ sôi động; phải có khả năng chọn lọc được mặt hàng tốt, sản phẩm tốt. Ngoài ra “chủ chợ” VAMC cũng phải biết phân tích, đánh giá, để làm sao các tổ chức trong nước, quốc tế, khi có nhu cầu mua - bán nợ ở Việt Nam thì chỉ cần mở trang web lên là thấy được các mặt hàng đang sẵn có để chào bán, chào mua.

Do VAMC là DN nhà nước với những quyền năng đặc biệt nên mọi vướng mắc về thủ tục pháp lý, chúng tôi sẽ hoàn tất hộ, sẽ hỗ trợ. Hơn nữa, mua nợ thông qua VAMC sẽ hết sức công khai, minh bạch.

Nói vậy, nhưng để làm được và làm tốt thì không đơn giản, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hiện mới bước đầu vượt qua khó khăn. Trong điều kiện như vậy, VAMC cũng chỉ có thể thực hiện từng bước chức năng, nhiệm vụ của mình, song song với nâng cao năng lực bản thân, trong đó có năng lực về tài chính. Tới đây, VAMC cũng sẽ xin tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

Song song với việc tăng vốn, quy mô của VAMC chắc chắn phải được mở rộng hơn?

Đúng vậy. Thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, cũng như quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị cho phù hợp, như thành lập mới đơn vị bán và xử lý nợ bao gồm: Ban mua và quản lý tài sản nợ; Ban mua và quản lý nợ các TCTD nhà nước; Ban mua và quản lý nợ các TCTD cổ phần, tất cả đều phải rất rõ ràng, tách bạch.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là con người. Theo đó, VAMC sẽ tuyển chọn cán bộ giỏi, có kinh nghiệm.

Đâu là thuận lợi, thách thức đối với VAMC sau khi nâng vốn điều lệ, theo ông?

Thuận lợi lớn nhất là được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, Chính phủ, NHNN và các cấp lãnh đạo, nhưng đây cũng đồng thời là thách thức lớn.

VAMC cần sự ủng hộ từ Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Vừa rồi, Bộ Tư pháp đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm. Theo đó, VAMC chỉ được tự bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua có giá trị dưới 10 tỷ đồng trở xuống còn trên 10 tỷ đồng, VAMC phải thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện là không có nhiều ý nghĩa với VAMC.

Công ty đã ra đời thì phải có trách nhiệm làm tốt chức năng của mình là hỗ trợ các TCTD và DN giảm bớt nợ xấu: đối với TCTD là đưa nợ xấu ra ngoài bảng cân đối, đối với DN là giúp họ đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Đây là thách thức.

Ngoài ra, còn những thách thức khác như: mục tiêu đặt ra liệu sẽ đạt được bao nhiêu? VAMC đặt vấn đề hết sức quyết liệt về việc này nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu các khoản nợ được mua đứt bán đoạn thì tôi có thể quyết định được ngay, nhưng do chúng được mua bằng trái phiếu đặc biệt nên phải có sự đồng thuận của DN và TCTD, làm sao hài hòa được lợi ích chung. Do đó, VAMC chỉ là một nơi hài hòa và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và phát mại tài sản và hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

VAMC cũng sẽ dần tiến tới việc chủ động thuyết phục khách hàng bán nợ và xử lý món nợ đó một cách hiệu quả, nâng cao uy tín của Công ty, để sao cho khi TCTD và DN có nhu cầu xử lý nợ xấu thì nghĩ ngay đến VAMC.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục