Từ 11/5, bắt đầu bàn giao sáp nhập MHB vào BIDV

(ĐTCK) BIDV vừa phát đi TCBC cho biết, ngày 25/4/20115 Thống đốc NHNN Việt Nam đã có Quyết định số 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/5/2015. Cùng ngày, UBCK có Giấy chứng nhận số 19/GCN-UBCK về việc đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi.
Quyết định nhận sáp nhập MHB được thông qua tại ĐHCĐ BIDV ngày 17/4 vừa qua Quyết định nhận sáp nhập MHB được thông qua tại ĐHCĐ BIDV ngày 17/4 vừa qua

Theo TCBC, toàn bộ thủ tục pháp lý sáp nhập MHB vào BIDV đã đáp ứng đầy đủ theo qui định tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 21/2/2010 của NHNN đã được BIDV, MHB hoàn tất; Đáp ứng đủ điều kiện qui định tại Thông tư số 204/2012/TT-BTC ngày 19/11/2012 của Bộ tài chính.

Để thực hiện Sáp nhập MHB vào BIDV và phát hành cổ phiếu tăng vốn hoán đổi theo tỷ lệ hoán đổi 1:1. Ngày 25/4/2015, Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV, HĐQT, Ban điều hành BIDV và MHB đã họp, quán triệt, triển khai thực hiện sáp nhập MHB vào BIDV theo đúng Quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tại cuộc họp, hai bên đã thống nhất lộ trình thực hiện sáp nhập như sau:

Kể từ 5/5-10/5/2015, BIDV cử cán bộ thực hiện công tác giám sát, rà soát, chuẩn bị các nội dung để thực hiện tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống MHB về BIDV (bao gồm Trụ sở chính, các chi nhánh, các đơn vị thành viên, trực thuộc của MHB).

Từ 11/5- 17/5/2015, sẽ thực hiện bàn giao sáp nhập MHB vào BIDV cấp cơ sở, gồm các chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và các cấu phần hoạt động của MHB.

Theo Quyết định 589/QĐ-NHNN, BIDV có trách nhiệm:

1. Tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

2. Hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Quyết định 589/QĐ-NHNN, MHB có trách nhiệm:

1. Bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

2. Hoàn trả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bản gốc Giấy phép hoạt động số 84/GP-NHNN ngày 23/4/2012 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

3. Thực hiện thủ tục xóa tên Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long trong sổ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

4.  Bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Dự kiến ngày 22/5/2015, toàn bộ công tác bàn giao MHB về BIDV sẽ được hoàn tất. MHB chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục chấp dứt pháp nhân, đăng ký bố cáo chấm dứt hoạt động theo qui định. Đồng thời BIDV hoàn tất giao dịch hoán đổi cổ phần cho các cổ đông MHB thành cổ đông BIDV, hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập.

Trên cơ sở báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, ngày 25/5/2015, BIDV cùng MHB thực hiện ký biên bản bàn giao sáp nhập chính thức cấp hệ thống; ngân hàng sau sáp nhập chính thức mang tên gọi là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, toàn bộ quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng qui định tại Thông tư 04/TT-NHNN và Thông tư số 204/TT-BTC. Với việc sáp nhập này, BIDV tiếp tục khẳng định là định chế tài chính hàng đầu luôn có ý thức chấp hành nghiêm túc theo các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trong quá trình thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 254 cuả Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc sáp nhập, BIDV sẽ điều chỉnh Kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2015- 2017, tiếp tục giữ vững vị trí là một định chế tài chính có sở hữu chi phối của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

"BIDV có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của MHB đặc biệt và quyền lợi của người lao động trong và sau sáp nhập", ông Trần Bắc Hà cam kết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục