TS. Võ Trí Thành: "Cả thế giới thay đổi, nếu mình không thay đổi kịp, chậm chân..."

(ĐTCK) Để có một hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ hiệu quả trong bối cảnh thế giới thay đổi, Việt Nam hội nhập sâu rộng, cải cách cần mang tính thị trường hơn, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt nhất. 
TS. Võ Trí Thành: "Cả thế giới thay đổi, nếu mình không thay đổi kịp, chậm chân..."

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016. 

2016 là năm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập trên một tầm cao mới. Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tiến trình này?

Cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trước hết cũng chính là những cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng. Tác động của hội nhập là rất lớn. Bên cạnh đó, còn là cơ hội, thách thức riêng có gắn với đặc điểm của ngành tài chính - ngân hàng.

Để nhìn nhận và đánh giá đúng những cơ hội, thách thức này, trước hết phải nhìn vào xu thế và bối cảnh quốc tế. Có thể nói, thế giới đang chuyển động rất nhanh, cả theo chiều hướng phát triển, cả trên quá trình chuyển đổi đầy trăn trở, nhiều chông gai, rủi ro, bất định.

Về tài chính, nổi lên trong đó là các nền kinh tế mới nổi BRICS, đặc biệt là Trung Quốc đang ngày càng có vị thế trên trường quốc tế, là một mắt xích quan trọng và đang cố gắng vươn lên trở thành một trung tâm tài chính của kinh tế thế giới. Đồng tiền của Trung Quốc cũng có vai trò lớn hơn bên cạnh các đồng tiền mạnh hiện nay như USD, Euro, Bảng Anh,…Kéo theo đó là sự phát triển các định chế tài chính quốc tế. Các tổ chức như IMF, WB đang đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ.

Sự ra đời các định chế tài chính quốc tế mới của BRIC hay việc thành lập Ngân hàng AIIB do Trung Quốc là cổ đông lớn nhất cũng đặt ra nhiều vấn đề (cả cơ hội và thách thức) cho sự phát triển và các quan hệ tương tương tác giữa các nước lớn, cũng như các định chế tài chính quốc tế, khu vực.

TS. Võ Trí Thành: "Cả thế giới thay đổi, nếu mình không thay đổi kịp, chậm chân..." ảnh 1

TS. Võ Trí Thành 

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin gắn với chu chuyển dòng vốn và sáng tạo tài chính cũng khiến cho mức độ hội nhập, toàn cầu hóa về tài chính diễn ra nhanh chóng, sâu rộng hơn. Không chỉ vậy, khả năng “hội tụ” giữa các công cụ tài chính cũng như xu hướng đa năng hóa các tập đoàn tài chính trở nên mạnh mẽ hơn.

Với hội nhập, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP, Việt Nam-EU… và Cộng đồng kinh tế ASEAN, tác động được dự kiến là đưa lại nhiều cơ hội sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư. Hệ thống ngân hàng luôn gắn bó mặt thiết với kinh tế thực, nên đây là cơ hội mở mang kinh doanh cho ngành ngân hàng, cả dưới góc độ cung ứng tín dụng, tài trợ thương mại cũng như phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng, nhất là trong bối cảnh có sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, thay đổi cơ cấu dân số.

Việc mở mang hội nhập tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống tài chính - ngân hàng trong tiếp cận nguồn lực, kết nối học hỏi tăng cường năng lực quản trị và sáng tạo để có thể bắt kịp thế giới. Dĩ nhiên, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Cùng với đó, rủi ro tài chính cũng tăng, nhất là khi vốn dịch chuyển dễ dàng hơn.

Vậy để có thể cạnh tranh phát triển, giảm thiểu rủi ro thì thời gian tới, hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải làm gì?

Khái quát thì Việt Nam cần có hệ thống ngân hàng lành mạnh, nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt, chính sách tiền tệ có hiệu lực và hệ thống giám sát tài chính chuyên nghiệp, cẩn trọng - đây là những nền tảng quan trọng nhất đảm bảo năng lực cạnh tranh và hạn chế rủi ro tài chính. Và đằng sau đó chính là vai trò, ý nghĩa đối với việc phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Sự ra đời các định chế tài chính quốc tế mới của BRIC hay việc thành lập Ngân hàng AIIB do Trung Quốc là cổ đông lớn nhất cũng đặt ra nhiều vấn đề, cả cơ hội và thách thức.

Theo tôi, đó là sự hiểu biết, học hỏi, kết nối, vững chí, có bước đi quyết liệt trong tài cấu trúc hệ thống ngân hàng vốn là mạch máu của nền kinh tế, là thành tố vô cùng quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong khi cả thế giới thay đổi, mình lại hội nhập sâu rộng, mà lại không thay đổi kịp, chậm chân thì không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, mà cả nền kinh tế sẽ chậm chân theo.

Để có một chính sách tiền tệ có hiệu lực, đòi hỏi chính sách tiền tệ phải mang tính thị trường hơn, chính sách tỷ giá phải linh hoạt hơn rất nhiều. NHNN phải được tiếp tục cải cách và chỉnh sửa, từ vị thế và vai trò của NHNN đến các công cụ của chính sách tiền tệ, cách thức điều hành chính sách tiền tệ. Việc điều chỉnh cách điều hành tỷ giá đầu năm 2016 là một bước đi tích cực theo những hướng này, song chưa đủ. Chính sách tiền tệ phải hướng tới, phù hợp với quá trình tăng dần khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, với xu hướng mở cửa thị trường vốn, cán cân thanh toán quốc tế đầy đủ, sâu hơn.

Cũng phải nâng cao hơn nữa tính độc lập, khả năng giám sát của NHNN với tư cách là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của hệ thống giám sát tài chính Việt Nam. Đó là chưa nói đến việc NHNN là đại diện chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước đang giữ vai trò chi phối trên thị trường cũng cần có những nghiên cứu để cải cách, chuyển đổi.

Ngoài ra, sự phối hợp của chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác, như chính sách tài khóa, cũng phải có những bước chuyển căn bản. Phối hợp chính sách là câu chuyện có tính “truyền thống”, song đặt trong bối cảnh mới thì có không ít vấn đề liên quan đến dòng tiền, hiệu lực chính sách tiền tệ và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô trở nên phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi phái có những nghiên cứu sâu sắc để có thể triển khai hiệu quả trên thực tế.

Còn nhìn rộng ra với cả hệ thống tài chính Việt Nam thì thế nào, thưa ông?

Hiện hệ thống tài chính Việt Nam vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, một lý do có thể khiến thị trường tài chính bất cân xứng, dễ tạo ra “méo mó” trong phân bổ nguồn lực khi hệ thống ngân hàng còn nhiều điểm yếu.

Vì vậy, bên cạnh cải cách mạnh mẽ hệ thống các ngân hàng thương mại, cần phải dần tạo ra một hệ thống tài chính cân đối hơn, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả, hạn chế rủi ro và gánh nặng cho bản thân hệ thống ngân hàng.

Muốn vậy, cần thúc đẩy phát triển nhanh hơn và lành mạnh thị trường trái phiếu, đặc biệt thị trường trái phiếu công ty cũng như TTCK. Hai thị trường này đã có những bước tiến nhất định, nhưng nhìn chung vẫn trong giai đoạn sau bước đầu một chút. Song song với việc tạo thị trường cân đối hơn là cùng với NHNN xây dựng, cải cách hệ thống giám sát tài chính có hiệu lực, hạn chế rủi ro và tránh được những đổ vỡ tài chính.

Bản thân hệ thống ngân hàng có cái khó là hiện nay đang trong bước chuyển. Chặng đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian 3 - 4 năm qua mới hoàn thành được một nửa mục tiêu đặt ra. Vẫn phải tiếp tục cải cách, xử lý căn cơ nợ xấu, xây dựng, nâng cao được tính lành mạnh và chuẩn mực của các NHTM, đặc biệt là việc đáp ứng các thông lệ tốt về quản trị rủi ro và các chuẩn mức quốc tế. Có như vậy mới dần xây dựng được một hệ thống ngân hàng hiện đại, có tầm vóc, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và cạnh tranh quốc tế.

Cái khó hơn nữa là song song với quá trình cải tổ đó, hệ thống ngân hàng vẫn phải góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Vai trò điều hành, giám sát của NHNN và hệ thống giám sát nói chung cũng cần phải được nâng lên một bước. Bởi hệ thống ngân hàng mang tính khu vực, quốc tế, toàn cầu hơn thì khả năng giám sát cũng phức tạp, khó khăn hơn.

Ông có khuyến nghị cụ thể gì giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới?

Những trao đổi trên cũng đã thể hiện phần nào câu trả lời. Cần lưu ý là hiện có rất nhiều bài học của chính Việt Nam và thế giới có thể học hỏi, triển khai, nhưng như vậy là chưa đủ. Bên cạnh bài học kinh nghiệm quá khứ, kinh nghiệm quốc tế, việc nghiên cứu, bám sát thực tiễn là rất quan trọng. Theo tôi, để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, cần làm tốt mấy việc sau.

Một là, có chiến lược kế hoạch tổng thể với những bước đi cụ thể hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa chiến lược đó cố định, mà phải được theo dõi, có thể khi cần sẽ chỉnh sửa cho thích hợp với thế giới, với chuyển động trong chính sách vĩ mô và cái đã được làm và định làm trong tiến trình thực thi chiến lược.

Hai là, với hệ thống tài chính ngân hàng, rủi ro là cố hữu, không bao giờ loại bỏ hết được. Rủi ro tài chính nếu không được hạn chế, chặn lại thì tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và phí tổn “chữa chạy” là vô cùng lớn. Một điều có tính nguyên tắc là phải minh bạch và hướng quản trị rủi ro theo những thông lệ và chuẩn mực tốt nhất. Đối với mở cửa tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc tế, giám sát những sáng tạo tài chính và dịch chuyển vốn qua biên giới... thận trọng, nghiêm túc không bao giờ là thừa.

Ba là, thực sự quan tâm đến tác động của hệ thống tài chính - ngân hàng đối với nền kinh tế thực - điểm mấu chốt trong nhìn nhận vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng. Phải cân bằng được cuộc chơi của bản thân thế giới tài chính với vai trò của trung gian của hệ thống khu vực này trong vấn đề tiết kiệm, dòng tiền, dòng vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh trong thế giới thực.

Hồng Dung thực hiện.


Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục