Tp. HCM: Dư nợ cho vay tăng chậm

(ĐTCK-online) Mới đây, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản 6 tháng đầu năm 2008, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo đó, mức lãi suất huy động tăng cao đã thu hút được lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Với mức lãi suất cơ bản 14%/năm có hiệu lực từ ngày 11/06, hiện nay hầu hết các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh các mức lãi suất huy động và cho vay: khối ngân hàng thương mại nhà nước lãi suất huy động được điều chỉnh tăng từ 1,5-2%, khối ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng từ 1-3,8%/năm, mức huy động phổ biến từ 16-17%/năm, mức huy động cao nhất là 19,2%/năm; lãi suất cho vay được điều chỉnh sát hoặc bằng mức tối đa là 21%/năm. Tiết kiệm của dân cư tăng 0,7% về tỷ trọng và tăng 4,3% về giá trị so với tháng trước.

 

Dư nợ cho vay có xu hướng tăng chậm lại. Vốn huy động đến đầu tháng 6 đạt 531.860 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ, tăng 9,2% so đầu năm. Trong đó, ngân hàng quốc doanh đạt 155.601,3 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng vốn huy động; khối ngân hàng thương mại cổ phần huy động đạt 282.936 tỷ đồng, chiếm 53,2%, tăng 84,4% so cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 26% tổng vốn huy động, tăng 36,9% so cùng kỳ. Vốn huy động VNĐ tăng 43,8% so cùng kỳ, trong đó tiền gửi tiết kiệm và kỳ phiếu đạt 264.479,9 tỷ đồng, tăng 75,9% so cùng kỳ, chiếm 49,7% tổng vốn huy động.

 

Tổng dư nợ tín dụng đến đầu tháng đạt 493.617,7 tỷ đồng, tăng 74,9% so cùng kỳ, tăng 21,5% so đầu năm. Trong đó, dư nợ của khối ngân hàng cổ phần chiếm 50,7% tổng dư nợ và gấp 2,03 lần so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 143.246,6 tỷ đồng, chiếm 29% tổng dư nợ, tăng 64,5% so cùng kỳ; dư nợ tín dụng bằng VND tăng 77,1% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 40,6% tổng dư nợ, tăng 83,7% so cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng 69,3% so cùng kỳ.

 

Bên cạnh đó, còn có một số chỉ tiêu đáng chú ý khác như tổng kim ngạnh xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm (không tính dầu thô) đạt 14.687 triệu USD, tăng 2.712,5 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2007 (tăng 22,7%). Hàng hoá xuất khẩu tăng 942 triệu USD (trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 62,7%); hàng hoá nhập khẩu tăng 1.770,5 triệu USD (trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 84,2%).

 

Do chịu nhiều ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên vật liệu nhập khẩu liên tục tăng cao kéo theo cùng với sự giảm giá của VND đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và tiêu dùng nội địa, thị trường tài chính tiền tệ biến động phức tạp …thể hiện rõ nét nhất trong quí II (chỉ số giá quí I tăng 7,2%, chỉ số giá quí II tăng 8,65%, tính chung 6 tháng giá tăng 16,48% so với tháng 12/2007). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Tp. HCM trong quí II chỉ còn 10,05% (quí I tăng 11%). Như vậy, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm nay là 10,5% thấp hơn mức tăng 11,2% cuả 6 tháng đầu năm 2007. Do đó để đạt được mức tăng cuả kế hoạch năm 2008 là 12,7% thì trong 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trên 14%.

Quang Sơn
Quang Sơn

Tin cùng chuyên mục