Tín dụng tại TP. HCM đang tăng trưởng trở lại

(ĐTCK) Trong tháng 3/2013, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM ước đạt 857.700 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối tháng 2/2011 và tăng 0,26% so với cuối năm 2012.
Tín dụng tại TP. HCM đang tăng trưởng trở lại

Tại buổi làm việc giữa Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP. HCM sáng 5/4, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM đã cung cấp những số liệu cơ bản về diễn biến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn 3 tháng đầu năm.

Theo đó, ông Lâm cho biết, thị trường tiền tệ với các yếu tố như tỷ giá, lãi suất tiếp tục ổn định. Trong đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm. Riêng lãi suất cho vay: các TCTD áp dụng lãi suất cho vay không quá 12%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là không quá 11%). Tại một số TCTD áp dụng sản phẩm ưu đãi, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 8 - 11%/năm đối với khách hàng truyền thống, khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến 31/3/2013 ước đạt 1.017.900 tỷ đồng, tăng 0,64% so với cuối tháng 2/2013, tăng 2,5% so với cuối năm 2012 và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tiền gửi VND đạt 842.796 tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2012 và chiếm 82,8% tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi ngoại tệ quy VND đạt 175.104 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cuối năm 2012 và chiếm 17,2% tổng nguồn vốn huy động.

Đồng thời, dư nợ tín dụng đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Hai tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn giảm 0,54%. Trong đó, tháng 1 giảm 0,01%; tháng 2 giảm 0,53%. Tuy nhiên, trong tháng 3, tín dụng đã có tín hiệu phục hồi. Dự ước đến 31/3/2013, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 857.700 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối tháng 2/2011 và tăng 0,26% so với cuối năm 2012.

Vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Theo đó, đến nay dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (số liệu đến ngày 21/3/2013) đạt 96.163 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2012 và tăng 92,1% so với thời điểm thực hiện (ngày 19/7/2012). Trong đó, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 54.772 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 16.556 tỷ đồng; cho vay nông nghiệp và nông thôn đạt 17.901 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ: 6.759 tỷ đồng…

Đặc biệt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn khá dồi dào. Hệ số sử dụng vốn (tỷ lệ dư nợ so với tổng huy động vốn) trên địa bàn là 84,1% (tỷ lệ này cuối năm 2012 là: 86,1%).

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn ở mức cao. Đến cuối tháng 2/2013, nợ xấu trên địa bàn là: 50.915 tỷ đồng, chiếm 5,98% trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% trong tổng nợ xấu.

Tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. HCM hiện đạt khoảng 88.480 tỷ đồng (tổng hợp số liệu từ 149 đơn vị TCTD báo cáo trong kỳ), chiếm 10,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản là 79.469 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, cho thuê, xây nhà ở cho người thu nhập thấp; nhà ở khu chế xuất - khu công nghiệp... là 9.020 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay bất động sản chiếm khoảng 6,13% tổng dư nợ cho vay bất động sản;

Trông bối cảnh như trên, để tăng cường cho vay ra nền kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho hệ thống, ông Tô Duy Lâm đã nêu ra 5 vấn đề mà toàn hệ thống TCTD trên địa bàn TP. HCM cần quan tâm. Cụ thể là:

Thứ nhất, ổn định lãi suất và tăng cường phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút và mở rộng quan hệ khách hàng, tăng thu nhập và giảm bớt áp lực từ hoạt động tín dụng. Đây là giải pháp trước mắt, song cũng là giải pháp chiến lược để các TCTD nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình tái cơ cấu hoạt động.

Thứ hai, trên cơ sở chỉ tiêu tín dụng được duyệt của NHTW đối với từng đơn vị, các TCTD trên địa bàn cần đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng, không chỉ duy trì hoạt động kinh doanh, hạn chế nợ xấu phát sinh, mà còn hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu của từng TCTD và của toàn hệ thống và trong nền kinh tế.

Thứ ba, nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng, do vậy, các TCTD cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp xử lý nợ xấu. Đồng thời, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; cơ cấu lại nợ và tập trung xử lý nợ xấu nhóm 5 qua quỹ dự phòng rủi ro; xử lý tài sản đảm bảo và xử lý qua công ty khai thác và quản lý tài sản của TCTD;

Thứ tư, tiếp tục kế hoạch chấm dứt hoạt động huy động vốn bằng vàng đúng thời điểm theo quy định của NHTW (vào 30/6/2013). Đến nay, tổng số nguồn vốn bằng vàng của TCTD trên địa bàn là 1.630.031 lượng. Trong đó, tiền gửi bằng vàng của khách hàng: 664.776 lượng; vàng giữ hộ: 657.517 lượng và nguồn vốn bằng vàng khác: 307.638 lượng.

Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, không chỉ các TCTD yếu kém phải thực hiện tái cơ cấu hoạt động theo các đề án và kế hoạch đã đề ra, các TCTD khác cũng cần thiết phải tái cơ cấu hoạt động của đơn vị mình.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục