Tín dụng sẽ eo hẹp hơn

(ĐTCK-online) Số liệu tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn ngành 8 tháng đầu năm 2010 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 16,27% so với mục tiêu kiểm soát cả năm nay là khoảng 25%.
Hiện lãi suất thỏa thuận tiền đồng còn khá cao, là rào cản đối với DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng - Ảnh: Hoài Nam Hiện lãi suất thỏa thuận tiền đồng còn khá cao, là rào cản đối với DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng - Ảnh: Hoài Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra là hoàn toàn có thể. Song khi các quy định của Thông tư 13/TT-NHNN đi vào thực tế cuộc sống, hoạt động cho vay sẽ "eo hẹp" hơn. Đặc biệt là ở những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn còn ở mức thấp.

 

Nhiều rào cản đối với tín dụng

Phát biểu tại Hội hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu" do Báo Đầu tư và Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức sáng ngày 9/9 tại TP. HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 6,7% và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu kỳ vọng 8% vào cuối năm là hoàn toàn trong khả năng. Tuy nhiên, theo TS. Nghĩa, hiện lãi suất thỏa thuận tiền đồng còn khá cao, là rào cản đối với DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Đáng lo ngại hơn là các quy định mới của chính sách tiền tệ đang tạo áp lực đối với tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Trong đó, phải kể đến các quy định của Thông tư 13, theo các chuyên gia, nếu không có chỉnh sửa thì tín dụng sẽ khó tăng trưởng. Cụ thể, quy định về nguồn vốn cấp tín dụng trên tổng huy động không được quá 80%, đồng thời tín dụng kinh doanh bất động sản và chứng khoán áp dụng hệ số rủi ro lên đến 250%. Vì thế, theo ông Nghĩa, cần đưa khoản tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế vào nguồn vốn huy động được cấp tín dụng, thay vì loại ra.

Ông Nghĩa cho biết, nhìn chung, mức tăng trưởng tín dụng tiền đồng gần đây đã có dấu hiệu nhanh hơn so với những tháng đầu năm và dự báo trong quý tới tín dụng VND tiếp tục tăng trưởng khả thi, còn tín dụng ngoại tệ sẽ giảm lại. Đồng thời, NHNN cũng tích cực "bơm" tiền qua thị trường mở như chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, theo ông Nghĩa, thị trường tín dụng hiện vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi. Đây chính là"nút thắt" không chỉ với hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà là "nút thắt" cho cả tăng trưởng của nền kinh tế.

Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức khoảng 50 - 55% (8 tháng đầu năm 2010 ACB đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng 30% so với đầu năm) thì khả năng đạt được là có thể. Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ACB là 9% và chiếu theo quy định mới, ACB sẽ đáp ứng yêu cầu của NHNN bằng việc nâng vốn (đã được ĐHCĐ thông qua) và phát hành vốn cấp 2. Tuy nhiên, theo ông Hải, với các quy định tại Thông tư 13, nếu không có chỉnh sửa, Ngân hàng cũng sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng và số lượng đối với việc đẩy vốn ra thị trường để cho vay, đặc biệt là với cho vay kinh doanh bất động sản và tín dụng cầm cố chứng khoán. Đây là 2 loại hình tín dụng được quy định hệ số rủi ro cao lên đến 250% trong Thông tư 13.

Theo một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng, các quy định tại Thông tư 13 sau khi đi vào thực tế của cuộc sống sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho ngân hàng quy mô vừa và nhỏ trong việc phát triển hoạt động cho vay. Bởi thực tế, vốn điều lệ của khoảng 23 ngân hàng đang nằm dưới ngưỡng cho phép theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ  - CP và các nhà băng này đang chạy đua với thời gian để có thể sớm hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm tài chính 2010 kết thúc.

Vốn điều lệ mới của các ngân hàng nói trên trong năm nay tăng thêm gấp đôi và gấp ba so với năm trước. Như vậy, sau khi vốn điều lệ tăng lên theo lộ trình, các ngân hàng được sử dụng vốn tự có để cho vay và có điều kiện để đẩy mạnh vốn ra thị trường nhiều hơn trước, nhằm thực hiện mục tiêu lợi nhuận sau khi vốn tăng lên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo vị cán bộ trên, điều này chưa hẳn đã tốt, do kiểm soát rủi ro của nhiều ngân hàng nhỏ còn yếu kém. Trong khi đó, với các nhà băng lớn do vốn điều lệ đã tăng ở mức cao, nếu đẩy mạnh hoạt động tín dụng sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn. Trong trường hợp muốn phát triển tín dụng thì các ngân hàng này phải tăng vốn tự có. 

… lãi suất khó giảm theo chủ trương

Theo đánh giá của ông Nghĩa, với quy định các ngân hàng không được sử dụng quá 20% vốn trên thị trường liên ngân hàng làm vốn tín dụng hiện nay cũng góp phần cản trở đà giảm của lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng. Bởi hệ quả là các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ phải tìm mọi cách tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất có thể để tìm nguồn vốn từ khu vực DN và dân cư.

Các ngân hàng lớn từ đó cũng không thể hạ lãi suất đầu vào để đảm bảo tính cạnh tranh và giữ nguồn tiết tiệm…, khiến chi phí đầu vào đội lên và lãi suất đầu vào cũng như cho vay thỏa thuận từ đó khó giảm nhiều và nhanh như mục tiêu của Chính phủ đề ra. Không những thế, quy định bất hợp lý này còn đẩy các ngân hàng thiếu thanh khoản vào tình thế phải tìm mọi cách "lách" luật để tồn tại. Theo đó, các ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động gần như bằng nhau 11 - 11,2%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Nhờ đó, ngân hàng huy động được nhiều nguồn tiền gửi ngắn hạn và lách quy định của NHNN giới hạn 30% tiền gửi ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Đồng thời, theo ông Nghĩa, với biểu lãi suất như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ "lách" luật để đẩy lãi suất lên cao, bởi lẽ, lãi suất thực phụ thuộc vào kỳ hạn gửi và cách tính lãi suất, chứ không chỉ phụ thuộc vào chỉ số phần trăm. Dự báo được đưa ra từ Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, xu hướng lãi suất (cả cho vay và huy động) sẽ khó giảm trong thời gian tới theo chủ trương đã đề ra.

 Còn theo nhận định của ông Hải, nếu muốn giảm lãi suất tiền đồng trong lúc này không phải quá khó. Tuy nhiên, các chính sách cần đồng bộ để tạo niềm tin cho người dân. Ông Hải cho rằng, trong bối cảnh hậu khủng hoảng, không thể chỉ nói đến thách thức mà thực tế vẫn được "hưởng lợi" rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể lượng hóa và dự báo được tình hình thị trường cũng như các chính sách tiền tệ. Vì thế, với hoạt động của ngân hàng sẽ có những khó khăn nhất định, do đòi hỏi tính dự báo rất cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, cần sớm tháo gỡ những hạn chế hành chính và bất hợp lý, kể cả trên thị trường tái cấp vốn và thị trường tín dụng. Đồng thời, với những diễn biến khả quan về lạm phát như hiện nay, NHNN có thể nghiên cứu khả năng tăng cung ứng tiền cho nền kinh tế, như là thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn ngắn để giảm áp lực lãi suất trên thị trường.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua là khá linh hoạt với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát ở mức kỳ vọng 8% trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Chí cũng cho rằng, để kích thích được tăng trưởng kinh tế trong các năm tới cũng như kỳ vọng vào sự phục hồi của TTCK, việc chỉnh sửa một số quy định tại Thông tư 13 là điều cần thiết.

Trong báo cáo tình hình của toàn ngành ngân hàng tháng 8/2010 vừa được NHNN đưa ra, trong đó có chỉ đạo về việc nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 13. Theo NHNN, mục đích của chỉ đạo là để đảm bảo thống nhất cách hiểu và triển khai thực hiện. Trong đó, rà soát kỹ về các khái niệm, cách xác định các tỷ lệ đảm bảo an toàn, xử lý bất cập và đảm bảo hài hòa trong quá trình thực hiện của tổ chức tín dụng.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục