Tín dụng ngoại tệ tăng nóng: không đáng lo!

(ĐTCK) Trước sức nóng của tín dụng ngoại tệ 5 tháng đầu năm, nhiều người lo ngại sẽ tác động đến tình trạng USD hóa nền kinh tế và mất cân đối cung – cầu, vì tiền gửi ngoại tệ liên tục giảm trong những tháng đầu năm.
Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng USD tăng 12,03% so với cuối năm 2013 Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng USD tăng 12,03% so với cuối năm 2013

Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 12,03% so với cuối năm 2013, nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 3,52%. Việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng đánh giá được đưa ra từ Nhóm nghiên cứu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định.

Báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm nay của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đề cập đến những áp lực thanh khoản ngoại tệ. Số liệu của cơ quan này cho hay, 5 tháng đầu năm, tiền gửi bằng ngoại tệ vào các tổ chức tín dụng giảm 5,5%, song cho vay lại tăng 7%. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ (LDR) đã tăng từ 84,3% cuối năm ngoái lên 95,5% trong tháng 5/2014. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn.

Những quan ngại về tăng tín dụng ngoại tệ chủ yếu là do nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng, trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ đang giảm mạnh. Song trao đổi với ĐTCK, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện nay chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ. Cụ thể, tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, nhưng dư nợ tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 500 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do hiện nguồn vốn huy động ngoại tệ hiện nay giảm mạnh, nên để có nguồn cho vay ra các ngân hàng cũng có thể vay vốn nước ngoài hoặc bằng tiền gửi liên ngân hàng, nhưng đối tượng được vay ngoại tệ hiện nay cũng khá hạn chế nên không đáng ngại. Để cấp tín dụng ngoại tệ, nhất là những hợp đồng tín dụng ngoại tệ lớn trước khi ngân hàng duyệt hồ sơ NHNN phải xem xét kỹ và đòi hỏi các NHTM phải cân đối được nguồn thì mới có thể cho vay.

Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cũng cho rằng, nếu so với năm 2011 thì tăng trưởng tín dụng ngoại tệ toàn ngành ngân hàng hiện nay thấp hơn nhiều. Cụ thể, đến cuối năm 2011, tín dụng ngoại tệ đạt 29 tỷ USD trên tổng vốn huy động bằng ngoại tệ 24 tỷ USD. Như vậy, tỷ trọng cho vay lên đến 120%. Đến cuối năm 2013, tỷ trọng này giảm xuống còn 86% (tín dụng ngoại tệ đạt 25,4 tỷ USD trên tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ 29 tỷ USD). 6 tháng đầu năm 2014, tỷ trọng cho vay ngoại tệ trên tổng vốn huy động có tăng lên 99% (huy động 28 tỷ USD, trong khi cho vay ra 27,5 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn huy động giảm trước xu hướng lãi suất ngoại tệ xuống mức thấp, chỉ còn 0,25%/năm đối với khách hàng DN và 1%/năm dành cho các cá nhân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao hơn rất nhiều (6-7,5%/năm cho các kỳ hạn) nên người dân vẫn chọn VND. Thêm vào đó, tỷ giá được NHNN kiểm soát ổn định trong những năm qua nên tình trạng găm, giữ ngoại tệ giảm hẳn.

Cũng theo các chuyên gia, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, đồng thời nguồn vốn FDI và kiều hối tăng… bổ sung nguồn cung ngoại tệ. Việc điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá được NHNN thực hiện trong tháng trước chủ yếu nhằm hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực xuất khẩu.

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng khẳng định, đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua không phải do cung - cầu ngoại tệ không cân đối, mà chủ yếu nhằm hỗ trợ xuất khẩu, tránh tình trạng VND được định giá quá cao so với các đồng tiền khác. Thực tế cho thấy, sau 1 tháng NHNN điều chỉnh tăng 1% biên độ tỷ giá USD/VND, thị trường ngoại tệ không có biến động lớn. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM có nhích nhẹ, nhưng đã nhanh chóng giảm xuống ngay sau đó.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, sau điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới, nhưng mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mức trần quy định, thanh khoản thị trường được duy trì như những tháng đầu năm. Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục, khoảng 35 tỷ USD. Đồng thời, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định, NHNN không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.

Vì thế, nếu NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 21.000 đồng, theo đánh giá của một chuyên gia tiền tệ, tỷ giá sẽ sớm ổn định và các NHTM khó duy trì giá mua ngoại tệ,  mà chắc chắn sẽ phải giảm so với 21.250 đồng/USD hiện nay.     

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục