Tín dụng ngân hàng tăng ì ạch

Hai tháng đầu năm 2010, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng có 1,4%. Cho tới giữa tháng 3/2010 tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Lãi suất vay cao trong khi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn. Lãi suất vay cao trong khi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn.

Nguồn tin từ Techcombank cho biết, trong tháng 1/2010, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng (NH) này còn là con số âm. Theo lãnh đạo Techcombank, NH này chủ động giảm tăng trưởng tín dụng bởi việc cho vay ra không hiệu quả. Tháng 2, tín dụng có cải thiện chút ít và tháng 3 bắt đầu tăng nhưng rất chậm.

 

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), cho biết: "Từ đầu năm, ACB đã quyết định dành 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 14% - 16%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn rất chậm so với những năm trước. Có thể sau Tết, tính chất mùa vụ đã hết nên nhu cầu vay vốn ít đi. Tôi có cảm giác là các doanh nghiệp (DN) khó khăn đầu ra nên cũng ít vay vốn hơn".

 

Toàn hệ thống chỉ tăng 0,26%

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 1/2010, tín dụng của hệ thống NH chỉ tăng 0,26% và nhiều NH có tăng trưởng tín dụng âm như Techcombank. Một trong các lý do khiến tín dụng tăng trưởng cực thấp vào ngày đầu năm là bởi quy định về trần lãi suất (LS) không còn hợp lý, các NH gần như tạm ngưng các khoản vay mà chỉ giải ngân đối với các khách hàng ruột. Sau khi trần LS đối với hoạt động cho vay trung dài hạn được dỡ bỏ, các NH mới bắt đầu bung ra cho vay nhưng rất thận trọng.

 

Ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ Techcombank, nhận xét: "Kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự hồi phục bền vững, hoạt động kinh doanh của các DN cũng chưa thật chắc chắn nên NH cũng cần thận trọng với các khoản vay của mình". Dù thận trọng, tín dụng trong tháng 3 đã bắt đầu có xu hướng tăng dù chậm.

 

Giải thích về việc tăng cho vay, TGĐ một NH quốc doanh tiết lộ: "Trước cho vay ngắn hạn mà cứ 12%/năm thì lỗ ngay lập tức, giờ chuyển sang cho vay 366 ngày (là cho vay trung dài hạn) thì mức LS được cao hơn, NH mới có lãi nên đã bắt đầu tăng cho vay. Tuy nhiên, lách kiểu này cũng không thể làm với tất cả các khoản vay mà cũng phải tính nên tín dụng cũng tăng ít. Bên cạnh đó, cũng phải cân nhắc rủi ro của khoản vay nữa nên không thể mạnh tay giải ngân được".

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia NH, không chỉ có tín dụng trong 2 tháng đầu năm tăng chậm mà nhiều khả năng tín dụng nói chung của năm 2010 cũng sẽ tăng chậm. Ngoài những lý do kể trên thì còn có một lý do khác là khi khoản hỗ trợ LS không còn, cộng với việc LS huy động tăng cao, LS cho vay tăng mạnh hơn nhiều so với năm 2009.

 

Trong năm 2009, các DN được hỗ trợ LS vay 4%/năm, mức LS vay DN phải trả ở khoảng 5 - 6%/năm. Những DN không thuộc đối tượng được hỗ trợ LS thì mức LS vay cao lắm là 10,5%/năm. Sang tháng 2/2010, LS cho vay thực tế cả ngắn hạn và trung dài hạn đều từ 14%-17%/năm, cá biệt có NH lên tới 18%-20%. Sự gia tăng quá nhanh của LS cho vay này cũng làm cho tăng trưởng tín dụng không thể ào ào như trước bởi DN cũng chùn lại.

 

Cũng vì những lý do trên, mặc dù NH Nhà nước bơm vốn ra khá mạnh để tăng thanh khoản cho các NH, làm LS cho vay qua đêm chỉ còn từ 8-10%/năm nhưng việc cho vay vẫn chưa thể tăng tốc. Lãnh đạo của nhiều NH đều nhận định: Tăng trưởng tín dụng năm 2010 khó có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ tăng trưởng kinh tế tới 6,5% của nền kinh tế Việt Nam.

 

Lãi suất cho vay khó giảm

 

Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm nhưng nguồn tin từ các NH đều cho biết, LS cho vay cũng khó có khả năng giảm bởi đầu vào vẫn còn rất cao. "Nếu mức huy động đã 12-13%/năm rồi mà bảo cho vay thấp hơn thì chỉ có nước đóng cửa thôi. Hoặc nếu muốn giảm cũng phải từ từ và chờ LS huy động giảm đã", TGĐ một NH cổ phần tại Hà Nội bình luận.

 

Trong khi đó, LS huy động hiện vẫn chưa có biểu hiện giảm, nhiều NH vẫn tiếp tục khuyến mãi cho khách hàng. Ông Lý Xuân Hải nhận định, trong thời gian ngắn sắp tới LS huy động sẽ không giảm. Nguồn tin từ các NH cho biết, để giảm LS cho vay thấp hơn, NH đang tính toán cắt giảm chi phí huy động vốn mà trước mắt chỉ tập trung vào các chương trình khuyến mãi đối với khách hàng có nguồn tiền lớn, chứ không khuyến mãi đại trà như trước. 


TN

Tin cùng chuyên mục