Tín dụng ngân hàng: Đã đến kỳ “giảm nóng”

(ĐTCK-online) Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tín dụng của các ngân hàng Việt Nam tuy đã tăng trưởng chậm lại vào giữa năm 2006 (21%), nhưng đã tăng trở lại vào cuối năm ngoái và đầu năm nay (27% vào tháng 3/2007).
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong nước cần được "giảm nóng". Ảnh: Đức Thanh Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong nước cần được "giảm nóng". Ảnh: Đức Thanh

Điều này trùng với đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng khá cao và đang cần “giảm nóng”, cần phải quan tâm nhiều tới chất lượng tín dụng hơn là về lượng vốn tín dụng.

Cũng theo báo cáo của WB, trong sự tăng trưởng chung về số lượng đó có sự khác biệt giữa khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và khối NHTM cổ phần. Cụ thể, mức tăng trưởng tín dụng của các NHTM nhà nước ở Việt Nam là tương đối thấp ở mức 15% trong 12 tháng qua, nhưng các NHTM cổ phần lại tăng ở mức trên 40%.

“Sự tăng trưởng chậm lại trong hoạt động tín dụng của các NHTM nhà nước có thể liên quan đến những nỗ lực nhằm kiềm chế tăng nợ xấu và tuân thủ theo các tiêu chuẩn thận trọng nghiêm ngặt hơn đưa ra vào năm 2005. Nâng cao chất luợng danh mục đầu tư được coi là một bước đi then chốt trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa của các NHTM và những nỗ lực của họ đã đạt được thành công nhất định”, WB nhận định .

Đối với tăng trưởng tốc độ cho vay của Việt Nam hiện nay, một mức tăng trưởng “vừa phải” được coi là tốt, chứ không phải tăng trưởng cao, bởi như vậy thì phù hợp với khả năng quản trị rủi ro hiện nay của các NHTM. Theo các tổ chức quốc tế, mức “vừa phải” hợp lý là khoảng trên dưới 20%, bản thân NHNN cũng muốn giữ ở mức không quá cao.

Theo NHNN, có một số  NHTM cổ phần có tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới 50%. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi  trong quá khứ, do việc kiểm soát chất lượng cho vay không tốt mà nhiều ngân hàng Việt Nam đã từng chịu hậu quả nặng nề.  Việc NHNN mới đây đã tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đối với tiền gửi bằng VNĐ là một giải pháp nhằm kiềm chế bớt sự tăng trưởng “nóng” trong việc cho vay tín dụng của hệ thống ngân hàng nói chung. “Tác động kiềm chế bớt tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ không thể hiện ngay, nhưng sau vài tháng nữa sẽ có những kết quả”, một quan chức NHNN cho biết.

Cũng theo quan chức này, NHNN đang kết hợp với nhiều công cụ khác như nâng hạn mức an toàn vào đầu năm, hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán ở mức 3% dư nợ theo yêu cầu mới đây đối với các ngân hàng... sẽ khiến mức tăng trưởng tín dụng cả năm của toàn ngành ngân hàng không lên mức quá cao trên 30% như trước.

“Với biện pháp này, ước tính sẽ rút vào khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng ngoài thị trường”, vị quan chức này cho biết. Ngoài việc “đánh thẳng” vào vốn khả dụng của các NHTM, buộc các ngân hàng phải xem xét tới việc cấp tín dụng thì biện pháp này cũng góp phần làm giảm lạm phát.

Một chính sách vĩ mô được đưa ra có nhiều mục đích tác động khác nhau, nhưng đối với nhiều ngân hàng thì những biện pháp siết chặt tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Nhiều ngân hàng sau khi tăng vốn điều lệ trong hai năm trở lại đây đang đứng trước sức ép phải tăng quy mô tổng tài sản, tín dụng là kênh chủ đạo để thực hiện điều này.

Đẩy mạnh tăng tín dụng để tăng tổng tài sản hay ngược lại cũng là nhằm để tăng lợi nhuận kịp với tốc độ tăng vốn điều lệ, hay nói khác đi là đảm bảo tỷ suất lợi nhuận. Tín dụng hiện vẫn là kênh kiếm lợi nhuận chủ yếu của các NHTM Việt Nam , vì vậy việc hạn chế tín dụng tăng trưởng mạnh sẽ mang lại kết quả như thế nào chắc hẳn mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy.

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục