Tín dụng nền kinh chỉ tăng 14%, nhưng vòng quay vốn nhiều ngân hàng tăng hơn 3 lần nên hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn

(ĐTCK) Tín dụng tính đến cuối năm 2018 tăng 14% so với cuối năm 2017, tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là vòng quay tín dụng được gia tăng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Không bất ngờ về con số trên, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV nhận định, vốn tín dụng tăng 14% nhưng quan trọng hơn là 4 yếu tố gồm tăng thực chất với dư nợ tốt; tăng từ đầu năm; tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; và cuối cùng là tăng tín dụng ngắn hạn, vòng quay tín dụng được gia tăng.

Ông Tú lấy ví dụ: “Vòng quay vốn ngắn hạn của BIDV là: 1.499/386 = 3,9 vòng; tăng so với 2017 là 1.176/377 = 3,1 vòng, điều này rất có ý nghĩa, vòng quay vốn tín dụng quyết định lượng vốn bỏ ra cho nền kinh tế và gia tăng hiệu quả tín dụng. Qua đó, góp phần tăng trưởng GDP của đất nước”.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ các số liệu tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực, đặc biệt là các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai.

Đó là, cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 45.000 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 16.800 khách hàng đang có dư nợ;

Bên cạnh đó là chương trình dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt gần 10.653 tỷ đồng; Dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 4.094 tỷ đồng với 14.232 khách hàng còn dư nợ; Dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đạt 17.660 tỷ đồng.

“Riêng trong năm 2018, ngành ngân hàng cũng đã tổ chức được khoảng 370 buổi gặp gỡ, đối thoại theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương, trong đó giải ngân mới gần 700.000 tỷ đồng, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 45.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác”, bà Giang nói.

Cũng theo bà Giang: “Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2017 với gần 6,7 triệu hộ còn dư nợ, đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”, bà Giang nói

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, NHNN đang áp dụng chính sách tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.

Ngoài ra, với xu hướng trần tăng trưởng tín dụng sẽ điều chỉnh giảm dần theo từng năm, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ cần chủ động tạo kênh huy động vốn mới như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục