Tín dụng cho SMEs, cần tư duy cụ thể hơn

(ĐTCK) Quyết định số 1355/QĐ-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/6, đã đưa ra các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SMEs). Tuy nhiên, thêm một lần nữa, thị trường chờ đợi nhiều hơn ở NHNN, với mong muốn nhận được những giải pháp đặc thù.
Các ngân hàng vẫn đang chủ động trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ SMEs Các ngân hàng vẫn đang chủ động trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ SMEs

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, cả nước có 9.761 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 78,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% về số DN và giảm 22,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong tháng 6, có 5.365 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 27,6%; số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 5.507 DN, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 31.119 DN, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này cho thấy, rõ ràng các DN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Để gỡ khó cho DN, mới đây, NHNN thông qua Quyết định 1355/QĐ-NHNN đã đưa ra các giải pháp như rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế; tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.

NHNN hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có khả năng và cam kết mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, SMEs, DN ứng dụng công nghệ cao, khởi sự DN...

“NHNN đã nỗ lực nhưng các giải pháp chưa thực sự mới và có điểm nhấn. Ví dụ, việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, đặc biệt là triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng được triển khai khá mạnh mẽ tại TP. HCM nhưng tại Hà Nội và các tỉnh khác khá im ắng”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.

Trong chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng, SMEs là một trong những đối tượng khách hàng mục tiêu, do đó, trước tình hình SMEs đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, ngân hàng vẫn luôn đồng hành cùng SMEs với các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Song song với đó là những sáng kiến và giải pháp hỗ trợ SMEs, như dịch vụ tư vấn tài chính hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra.

Thực tế, các ngân hàng vẫn đang chủ động trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ SMEs. Ví dụ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành gói 3.000 tỷ đồng để triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất, Tiếp sức thành công” với mức lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 7%/năm dành cho 17 ngành nghề theo hạn mức ngắn hạn với mục đích phục vụ vốn lưu động trong thời gian không quá 6 tháng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết thêm: “Lãi suất vay cụ thể sẽ tùy thuộc vào việc xếp hạng tín dụng khách hàng theo quy định của SHB, tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh của  khách hàng”.

Hay chương trình cho vay phát triển DN vừa và nhỏ (SMEFP) là sự phối hợp giữa Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm hỗ trợ cho vay vốn trung, dài hạn để phát triển SMEs tại Việt Nam. Theo đó, OCB tài trợ các khoản đầu tư trung, dài hạn để mua sắm máy móc thiết bị; phương tiện vận tải, đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà kho... phát triển sản xuất kinh doanh. Tài trợ cho vay trên tổng chi phí đầu tư hợp lệ của tiểu dự án nhưng không vượt quá 25 tỷ đồng/dự án với lãi suất vay ưu đãi; thời hạn vay lên đến 10 năm; được tài trợ tối đa 85% tổng chi phí đầu tư hợp lệ của tiểu dự án.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Những chính sách ưu đãi trên là hành động nhằm cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong chương trình đồng hành cùng SMEs. Tuy nhiên, để các chương trình cho vay thực sự mang lại hiệu quả cao cho SMEs nói riêng và nền kinh tế nói chung, cần có những giải pháp đặc thù từ phía NHNN. NHNN phải đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt với những tư duy mới hơn, đột phá hơn và cụ thể hơn”.          

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục