Tín dụng bất động sản đúng ra là 14% tổng dư nợ, thay vì 8% nếu không "khoác áo" vay tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng tăng tới khoảng 30% và gần 53% số đó là cho vay mua nhà, vay sửa chữa nhà ở. Việc tín dụng dựa quá nhiều vào bất động sản tiềm ẩn nhiều nỗi lo về thanh khoản.

Tiền rót vào nhà đất tăng hay giảm?

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016, nhờ Thống đốc NHNN đã kiên quyết chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo cân đối nguồn vốn, tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tín dụng trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT giao thông…

Tín dụng bất động sản đúng ra là 14% tổng dư nợ, thay vì 8% nếu không "khoác áo" vay tiêu dùng ảnh 1

Cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở được tính là vay tiêu dùng, khiến dư nợ vay bất động sản chỉ chiếm 8% tổng dư nợ

Thực tế, không chỉ tốc độ tăng trưởng dư nợ bất động sản giảm, mà tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ chung toàn hệ thống cũng giảm, chỉ còn hơn 8%.

Tuy nhiên, Báo cáo vừa được công bố cuối tuần qua của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiếp tục cho thấy tình trạng “lách” tín dụng bất động sản của các ngân hàng.

Cụ thể, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016 và chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Cuối năm 2016, con số này là trên 49%.

Hiện tại, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 12% tổng dư nợ toàn hệ thống. Như vậy, nếu cộng cả phần cho vay tiêu dùng bất động sản, tỷ trọng tín dụng bất động sản sẽ vọt lên khoảng 14%, chứ không phải ở mức 8% như hiện nay.

Báo cáo trước đó của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra nhận định tương tự và cảnh báo: “Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong đó khoảng 50% tập trung vào lĩnh vực bất động sản cho thấy hình thái tín dụng bất động sản đang có sự dịch chuyển cần được theo dõi, đánh giá”.

Thực tế, sản phẩm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng đang thay đổi, chỉ còn 38% cho vay chủ đầu tư và giành tới 62% cho người mua nhà. 

Việc tín dụng vẫn dựa nhiều vào bất động sản trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi thiếu bền vững như hiện nay.

Thanh khoản tốt nhờ vào…  kho bạc

Thời điểm này, khó khăn về thanh khoản đã nhẹ bớt, bằng chứng là tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của toàn hệ thống tại tháng 5/2017 chỉ khoảng 87%, giảm nhẹ so với trước (huy động 10 đồng cho vay 8,7 đồng).  Lãi suất liên ngân hàng cũng đã giảm về 4-4,2%, thay vì chạm mốc 5% những tháng trước đó. Trong tháng 5 vừa qua, NHNN cũng hút ròng tiền gửi trên thị trường mở. Cụ thể, NHNN đã hút ròng hơn 28.000 tỷ đồng riêng trong tháng 5, còn tính từ đầu năm thì đã hút gần 9.000 tỷ đồng.

Việc tín dụng vẫn dựa nhiều vào bất động sản trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là khi thị trường bất động sản phục hồi thiếu bền vững như hiện nay.   

Mặc dù vậy, thanh khoản nhẹ không hẳn do các ngân hàng khỏe lên. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản ngân hàng tốt là nhờ sự hỗ trợ thêm từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng mạnh trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm. Tiền gửi đến cuối tháng 4/2017 của Kho bạc Nhà nước là 122.000 tỷ đồng, tăng hơn 28,4% so với đầu năm.

Thêm vào đó, theo tính toán của cơ quan này, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP của Việt Nam - chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng - đang có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 đến nay và đã ở mức 11% trong quý I/2017.  Đây là mức cao thứ hai trong 9 năm qua, chỉ đứng sau mức 13% của mức quý I/2011 - thời điểm toàn hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng thanh khoản.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho thấy, hiện toàn hệ thống vẫn còn một số ngân hàng có vấn đề về thanh khoản và nợ xấu thực cao gấp nhiều lần con số báo cáo.

Trong điều kiện kinh tế nước ta, việc ngân hàng ưa rót tiền vào bất động sản là điều dễ hiểu. Năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng công nghiệp và xây dựng là hơn 1,7 triệu tỷ đồng - chiếm tỷ lệ lớn nhất toàn hệ thống và cao gấp 3 lần tín dụng nông, lâm, thủy sản.

Thực tế, tín dụng bất động sản cũng không đáng lo, nếu rót vào nhu cầu thực. Điều đáng lo, theo các chuyên gia, là việc dồn vốn cho bất động sản có thể gây nên bong bóng bất động sản (sốt đất tại TP.HCM vừa qua là điển hình). Mặt khác, tình trạng ngân hàng cho vay sân sau vẫn tiếp tục diễn ra đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Cho đến nay, mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng ở nước ta vẫn chưa có lời giải. Tính đến hết quý I/2017, khu vực ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, chiếm gần 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường tài chính.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục