Tiếp cận vốn rẻ, nước vẫn chảy chỗ trũng

(ĐTCK) Van tín dụng đã nới lỏng hơn và từ ngày 8/5, trần lãi suất cho vay tối đa 15%/năm sẽ được áp dụng đối với một số nhóm ngành. Tuy nhiên, nhiều DN không dễ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng, với nguyên nhân đến từ cả hai phía.
Tiếp cận vốn rẻ, nước vẫn chảy chỗ trũng

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN bất động sản có quy mô khá lớn ở TP. HCM chia sẻ, DN rất phấn khởi khi nghe tin NHNN quyết định áp trần lãi suất cho vay. Dù DN có thể không phải là đối tượng trực tiếp hưởng mức lãi suất tín dụng 15%/năm, nhưng từ mức trần này, lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng dành cho các DN ngoài diện quy định áp trần lãi suất cho vay chắc chắc sẽ dễ chịu hơn.

Đơn cử, thay vì phải trả lãi suất 20 - 21%/năm cho các khoản vay ngắn hạn như năm ngoái, những hợp đồng vay lại của DN chỉ chịu mức lãi suất 17 - 19%/năm. Cũng như chia sẻ của ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), “trong lúc khó khăn, bất cứ hỗ trợ nào có thể giúp DN tiết kiệm chi phí, dù ít đều rất đáng quý”.

Mặc dù vậy, không ít ý kiến cho rằng, ngân hàng nới nhẹ lãi suất cho DN chủ yếu vì hưởng ứng chính sách của Nhà nước, nhưng quan trọng là vì trần lãi suất huy động đã giảm, từ 14%/năm về 13%/năm từ ngày 13/3/2012 và 12%/năm từ ngày 11/4/2012. Mặc dù vậy, do vốn huy động theo mức lãi suất 13 - 12%/năm chỉ mới triển khai chưa đầy 2 tháng, nên nhiều ngân hàng chưa đủ nguồn vốn rẻ để đẩy mạnh cho vay đại trà.

Đó là chưa kể, vốn rẻ của DN đang phải ưu tiên cho vay theo các chương trình hỗ trợ như Sacombank, HDBank... dành cả ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ xuất nhập khẩu, với mức lãi suất 15 - 16%/năm. Nếu tính rộng hơn, theo số liệu của NHNN, trong tuần từ 16/4 đến 20/4, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ của các ngân hàng phổ biến ở mức 13,5 - 16,5%/năm. Như vậy, không đợi đến thời điểm áp trần lãi suất 15%/năm, nhóm DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ngân hàng cho hưởng ưu đãi lãi suất từ trước.

Có vẻ như “thuốc” đang được rót tới tấp vào các nhóm ngành kể trên. Trong khi đó, những DN thuộc các ngành khác như bao bì, nhựa, vật liệu xây dựng… hầu như chưa thể tiếp cận vốn rẻ. Có thể các đơn vị này phải chờ thêm 3 - 6 tháng để nguồn vốn huy động với lãi thấp vào tới ngân hàng.

Vì thế, những DN có thể xoay xở được bằng vốn tự có như Nhựa Bình Minh, Alta đều chủ trương hạn chế vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp DN cần “hà hơi tiếp sức” mới “thở” được, như ở Hữu Liên Á Châu (HLA), bắt buộc DN phải đi vay, dù lãi vay cao.

“Cả khi chấp nhận chi phí cao, chúng tôi cũng cảm thấy khó tiếp cận được vốn”, lãnh đạo HLA cho biết. So với những năm trước, điều kiện cho HLA vay ngặt nghèo hơn. Đáng nói, các ngân hàng chỉ dành một tỷ lệ 10 - 20% để HLA vay với lãi suất thấp, còn lại 70 - 80% khoản vay của HLA đều là vay ngắn hạn, với lãi suất 18 - 19,5%/năm.

Trong ngành bất động sản, cùng một tài sản thế chấp, nhưng trước đây DN dùng tài sản này vay được 10, thì nay chỉ còn vay được 7, được 5. Có thể nói, dù van tín dụng đã mở rộng hơn và xu hướng lãi vay sẽ giảm, nhưng siết tín dụng vẫn đang diễn ra. Bởi lẽ, các ngân hàng có lý do để lo ngại về nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Một cản trở khác khiến DN, nhất là những DN thuộc ngành bất động sản khó tiếp cận được ngay nguồn vốn rẻ là đa số tài sản có giá trị của DN đều đã được thế chấp hoặc bị định giá rất thấp. Vì thế, các DN bất động sản hiện hy vọng vào cơ hội từ việc ngân hàng cho phép cơ cấu lại nợ.

Ngọc Thủy
Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục