Thống đốc: “Năm nay VAMC dọn 70.000 tỷ đồng nợ xấu”

Trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng bản thân và ngành ngân hàng "không còn đơn độc" khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc xử lý nợ xấu. Ông tự tin VAMC có thể dọn 70.000 tỷ "cục máu đông" năm nay.
Thống đốc: “Năm nay VAMC dọn 70.000 tỷ đồng nợ xấu”

Trước phiên thảo luận chiều 30/5, Ngân hàng Nhà nước đã gửi bản báo cáo giải trình tới các đại biểu Quốc hội về chính sách điều hành thị trường vàng. Do đó, trong phần phát biểu tại nghị trường, người đứng đầu ngành ngân hàng dành phần lớn nội dung để báo cáo về tiến trình xử lý nợ xấu.

Thống đốc: “Năm nay VAMC dọn 70.000 tỷ đồng nợ xấu” ảnh 1 Thống đốc Nguyễn Văn Bình (áo xanh) trao đổi với các đại biểu trước phiên thảo luận chiều 30/5

 

Tương tự những lần đăng đàn trả lời về nợ xấu trước đây, Thống đốc tiếp tục chia nhóm các giải pháp xử lý thành những công việc mà bản thân ngành ngân hàng có thể tự làm, phần còn lại cần phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Một trong những giải pháp "tự thân" của các các nhà băng được ông Bình nhắc tới là cơ cấu lại nợ và dùng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Thống đốc cho hay, sau gần một năm thực hiện, hệ thống đã cơ cấu được 284.000 tỷ nợ cho các doanh nghiệp (chiếm 10% tổng dư nợ).

Theo báo cáo của Thống đốc, riêng năm 2012, đã có 70.000 tỷ nợ xấu được xử lý từ trích lập dự phòng rủi ro. "4 tháng đầu năm 2013 đã xử lý tiếp được 7.500 tỷ đồng từ nguồn này và trích lập thêm 68.000 tỷ để cuối năm xử lý nợ xấu", ông Bình báo cáo. Ngoài ra, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) trong thời gian sắp tới sẽ giúp xử lý khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống, riêng trong năm nay.

Tuy nhiên, trước một số thắc mắc của đại biểu, trong đó có bà Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đưa ra trong phiên thảo luận buổi sáng xung quanh vai trò chồng chéo giữa VAMC với các vụ, cục quản lý tài sản của Bộ Tài chính, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại chưa có lời giải đáp.

Người đứng đầu ngành ngân hàng dành thời gian để chia sẻ về quá trình phối hợp, hỗ trợ giữa các bộ, ngành với bài toán "cục máu đông". "Tôi rất cảm động khi thấy mình và ngành ngân hàng không còn đơn độc nữa khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xử lý nợ xấu", ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, trước những lo lắng của các đại biểu Quốc hội về khả năng khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, Thống đốc cho rằng các biện pháp nên hướng vào tăng cầu và sức mua thay vì lãi suất. "Lãi suất hiện nay đã tương đương của những năm 2007 nhưng tín dụng vẫn chưa ra được nhiều. Điều này thể hiện tổng cầu còn yếu, sức mua còn thấp".

Mặc dù vậy, ông cũng khẳng định sẽ giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay, đồng thời tích cực đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Trong số các giải pháp này, gói hỗ trợ 30.000 tỷ mà Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Xây dựng vừa triển khai để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà được Thống đốc Bình đặt nhiều kỳ vọng. "Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, dự đoán năm nay sẽ giải ngân được ít nhất 15.000 - 20.000 tỷ đồng", ông nói.

Phát biểu ngay sau Thống đốc, Đại biểu Trần Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng Quốc hội cần chia sẻ với ngành ngân hàng trong lúc này. Theo ông, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn là do không đủ tài sản thế chấp trong khi nhà băng lại không dám cho vay vì ngại nợ xấu. "Chưa bao giờ cán bộ ngân hàng tại Quảng Bình lại bị kỷ luật nhiều như thời gian qua. Gần đây đã có 51 cán bộ bị xử lý", ông Phương dẫn ví dụ để thấy sự thận trọng của ngân hàng khi cho vay.


VnExpress

Tin cùng chuyên mục