Thêm NH muốn hoãn áp dụng Thông tư 02

(ĐTCK) Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc NHNN sẽ hoãn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nhưng kỳ vọng của các ngân hàng là sẽ được lùi thời gian áp dụng thông tư này.
Thêm NH muốn hoãn áp dụng Thông tư 02

> Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02 

 

Sau khi một số ngân hàng lên tiếng, đã có thêm nhiều ngân hàng bày tỏ hy vọng tương tự.

Thêm NH muốn hoãn áp dụng Thông tư 02 ảnh 1Theo các NH, nếu áp dụng Thông tư 02, nhiều đối tượng khách hàng sẽ bị ngừng cho vay

Với phương pháp phân loại nợ tại Thông tư 02, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá sẽ tăng sự an toàn đối với những khoản cho vay của ngân hàng, nhưng nếu sớm áp dụng khi hệ thống phân loại nợ giữa các ngân hàng còn chênh lệch nhiều sẽ gây trở ngại lớn cho hoạt động tín dụng của nhà băng.

Tổng giám đốc OCB, ông Phan Đình Tùng cho biết, các quy định tại Thông tư 02 là nhằm hướng hoạt động của ngân hàng đi đến mục tiêu an toàn. Song với tình hình hiện nay, theo ông Tùng, nếu sớm được áp dụng, Thông tư 02 sẽ khiến các ngân hàng và doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định, nhất là với hoạt động tín dụng, hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Theo ông Tùng, việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng hiện khác nhau với cùng một đối tượng vay vốn. Nếu áp dụng phương pháp phân loại nợ của Thông tư 02, tức là đối tượng vay sẽ được phân loại theo mức cao nhất, thống nhất trong toàn hệ thống, thì rất nhiều đối tượng sẽ bị ngân hàng dừng giải ngân. Chẳng hạn, khi áp dụng Thông tư 02, một số khách hàng vốn được OCB phân loại nợ nhóm 3 nay sẽ phải nâng lên nhóm 4 nếu có ngân hàng khác áp mức phân loại này. Khi đó, theo quy định, OCB sẽ phải ngừng giải ngân cho các khách hàng này.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, việc NHNN đưa ra Thông tư 02 là giúp các ngân hàng tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi hoạt động tín dụng của ngành đang tăng trưởng chậm, nợ xấu tăng, nếu tiếp tục hạ chuẩn khách hàng sẽ rất khó tăng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu của Sacombank năm nay cũng đã được nâng lên so với năm trước, cụ thể là 3% so với mức 2% của năm trước.

Theo ông Khang, việc đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu năm nay cao hơn năm trước là do Ngân hàng đã tính đến việc phải áp dụng Thông tư 02. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Sacombank kỳ vọng, các quy định của Thông tư nói trên sẽ chậm được áp dụng.

Trong khi đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank nhận định, khả năng Thống đốc NHNN sẽ xem xét, nghiên cứu để có thể gia hạn việc thực hiện Thông tư 02. Tuy nhiên, DongA Bank vẫn đang từng bước thực hiện theo các quy định mới tại Thông tư này để phản ánh đúng thực chất hoạt động tín dụng và quan trọng hơn là hạn chế được nợ xấu khi phát triển cho vay. DongA Bank đưa ra mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3,5% trong năm nay. Ông Bình thừa nhận, nếu Thông tư 02 được áp dụng đúng lộ trình, hoạt động tín dụng sẽ khó khăn và ngân hàng không thể kỳ vọng lợi nhuận cao năm nay.

Tổng chi phí dự phòng của BIDV năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, với tổng dự phòng dự kiến là 7.800 tỷ đồng. BIDV xác định, thị trường năm 2013 còn khó khăn, ảnh hưởng đến nợ xấu, nhất là nếu các quy định tại Thông tư 02 sớm được áp dụng. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của BIDV là dưới 3%. Tuy nhiên, người đứng đầu BIDV, Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà cũng kỳ vọng Thông tư 02 sẽ chậm được áp dụng.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN đưa ra nhận định, Thông tư 02 hướng hệ thống ngân hàng đến các chuẩn mực an toàn. Nhưng nếu sớm áp dụng trong bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông Kiêm, sẽ là rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì thế, TS Kiêm cho rằng, có thể hoãn áp dụng Thông tư 02 đến hết năm nay để ngân hàng và cả doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trước khi tiếp cận chuẩn mới.           

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục