Thêm một năm lỡ hẹn với những kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng

(ĐTCK) Sát đến ngày cuối năm, 2 kế hoạch tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn. Vấn đề là đây chỉ là con số lẻ so với các kế hoạch tăng vốn năm 2014 đã được đệ trình.
Vietcombank vừa thông qua chủ trương nhận sáp nhập một ngân hàng khác Vietcombank vừa thông qua chủ trương nhận sáp nhập một ngân hàng khác

Vốn điều lệ MB chính thức được nâng lên gần 11.600 tỷ đồng theo Quyết định số 2736/QĐ-NHNN ban hành trong ngày 25/12. OCB được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng từ 3.234 tỷ đồng hiện theo phương án được ĐHCĐ thường niên 2014 của nhà băng này thông qua đầu năm.

OCB đang hoàn tất thủ tục để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu). Lượng cổ phần dự kiến phát hành hơn 31,3 triệu cổ phần, tỷ lệ phát hành 10% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Thế nhưng, đó chỉ là 2 trong số nhiều ngân hàng xin tăng vốn điều lệ trong năm nay được NHNN thông qua.

Trong mùa ĐHCĐ năm 2014, ngoài OCB, nhiều ngân hàng đã trình phương án tăng vốn điều lệ với tổng mức vốn dự kiến tăng vào khoảng 12.600 tỷ đồng. Trong đó, NamABank, SaigonBank, VietA Bank trình kế hoạch tăng vốn lên 3.500 - 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà băng khác như: BaoVietBank muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng; DongA Bank đề ra mục tiêu tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng; VPBank muốn tăng vốn lên 7.325 tỷ đồng và SHB thông qua việc nâng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng…

Tuy nhiên cũng giống như các kế hoạch tăng vốn đã từng được các ngân hàng đệ trình xin ý kiến cổ đông nhiều năm trước, năm 2014 này vẫn chỉ là những kế hoạch “bất động”.

Việc “dây dưa” tăng vốn của các ngân hàng khiến sức ép phải tăng mạnh quy mô đang ngày một lớn dần. Trên thực tế, NHNN đã từng công bố một kế hoạch xây dựng dự thảo Nghị định yêu cầu các ngân hàng tới năm 2015 phải nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Nghị định này chưa kịp ban hành thì nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành, nên đến nay vẫn chưa được nhắc lại. Thế nhưng, với kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, ngân hàng nào đủ sức khỏe, tiềm lực tài chính vững mạnh mới có thể tiếp tục tồn tại.

Vì vậy, những yêu cầu tăng vốn rất có thể sớm được tái khởi động. Và nếu ngân hàng nào không đạt chuẩn thì khả năng nhận được yêu cầu sáp nhập vào ngân hàng khác là tất yếu. Các ngân hàng lớn sẽ là địa chỉ thực thi “sứ mệnh” đó.

Một động thái gần nhất tuần qua là Vietcombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, ngoài kế hoạch kinh doanh, điều động nhân sự…, thì một câu chuyện rất cần lưu ý là Đại hội đã thông qua kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác.

Thông tin từ NHNN đưa ra hồi tháng 7/2014, toàn hệ thống có 12 NHTM có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng, trong đó có 6 ngân hàng gồm: NamABank, VietBank, BaoVietBank, PGBank, KienLongBank, VietCapital Bank chỉ mới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Vì thế, sức ép tăng vốn sẽ còn rất lớn đối với các ngân hàng.

Tại NamABank, tờ trình tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thông qua đầu năm và ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, đã được trình lên các cơ quan ban ngành. Nam A Bank tăng vốn là để phù hợp với quá trình tái cơ cấu, phát triển mạng lưới, nâng cao tiềm lực, nhưng đang đợi để được NHNN thông qua.

Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để thực thi được kế hoạch này, là hoàn toàn không dễ. Giá cổ phiếu giảm, phát hành khó có thể mang lại hiệu quả cao, trong khi áp lực M&A đối với các ngân hàng nhỏ để tồn tại và phát triển ngày càng lớn nên không dễ thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu.

“Để tăng vốn lúc này cũng là bài toán phải tính kỹ”, TS. Cao Sỹ Kiêm nói.

Một bài học trong quá khứ, đó là khi NHNN đưa ra yêu cầu về việc nâng vốn điều lệ tối thiểu lên mức 3.000 tỷ đồng, nhiều ngân hàng đã phải chật vật. Thời điểm đó, có một khái niệm về “góp vốn ảo” đã được nhắc tới nhiều, các ngân hàng tạo ra sở hữu chéo bằng cách chuyển đổi tính chất của nguồn vốn góp.      

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục