Thẻ thanh toán tại nước ngoài: Tiện nhưng chưa lợi!

(ĐTCK-online) Sau những biện pháp siết chặt thị trường ngoại hối vừa qua, việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi xuất cảnh đang được người dân chú ý hơn. Nhưng có một điều đáng chú ý là các ngân hàng phát hành đều áp dụng chính sách không khuyến khích rút tiền mặt, nên nếu không chú ý, khách hàng sẽ phải chịu mức phí rất lớn.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, khi dùng thẻ thanh toán tại nước ngoài, khách hàng phải trả một mức phí khá lớn. Đơn cử, tại một ngân hàng thương mại lớn, khách hàng khi rút tiền mặt ở nước ngoài mất phí 6% + 2% phí chuyển đổi ngoại tệ, còn nếu cà thẻ ở nước ngoài thì chỉ mất 2% phí chuyển đổi ngoại tệ. Cụ thể, nếu khách hàng rút 1.000 USD ở nước ngoài sẽ phải trả tổng cộng 1.081,2 USD, quy đổi theo tỷ giá tại các ngân hàng là 20.915 đồng/USD, khách hàng sẽ phải thanh toán 22,613 triệu đồng. Tương tự, nếu khách hàng cà thẻ thì phải trả 1.020 USD x 20.915 đồng/USD = 21,333 triệu đồng. Nhưng nếu khách hàng mua 1.000 USD ở thị trường tự do thì chỉ mất khoảng 20,96 triệu đồng.

Đó là chưa kể đến mức phí đóng hàng năm để duy trì thẻ từ 150.000 - 300.000 đồng. Với thẻ ghi nợ, số dư trong tài khoản có ngân hàng yêu cầu phải ở mức tối thiểu là 3 triệu đồng, nếu hụt dù chỉ 100.000 đồng thì khách hàng sẽ phải trả tiền phí duy trì tài khoản là 200.000 đồng. Nếu là thẻ tín dụng, khách hàng không phải trả phí duy trì tài khoản, nhưng khi rút tiền mặt ở nước ngoài sẽ phải trả phí rút tiền là 4% trên số tiền rút + lãi suất khoảng 2,4%/tháng + 3,5% phí chuyển đổi ngoại tệ. Cho dù người dân ra nước ngoài rút tiền trong tài khoản của mình bằng VND hay USD cũng đều phải trả khoản phí quy đổi ngoại tệ dao động từ 2,5 - 4%. Có ngân hàng, tại một số thời điểm, mức phí này lên đến 7 - 10%.

Rõ ràng, với mức phí cao như vậy, dù các cơ quan chức năng tuyên truyền về những tiện ích khi sử dụng thẻ thanh toán như dễ dàng, thuận tiện khi thanh toán, giảm thiểu rủi ro khi cầm tiền mặt theo người…, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn muốn mua ngoại tệ mặt để cầm theo người. “Những mức phí trên sẽ làm nản lòng người tiêu dùng đang có ý định tham gia vào một hoạt động văn minh, hiện đại”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, phí khi thanh toán bằng thẻ ở nước ngoài thực tế không cao nếu so sánh với việc chuyển đổi ngoại tệ mang ra nước ngoài chi tiêu. Ông Thọ giải thích, khi ra nước ngoài, người dân thường mua USD, như vậy là một lần mất phí chuyển đổi. Khi sang nước ngoài, ví dụ như sang Trung Quốc, người dân lại phải chuyển đổi từ USD sang Nhân dân tệ để chi tiêu. Vậy là lần thứ hai phải chịu mức phí chuyển đổi. Không kể trường hợp chi tiêu không hết, người dân lại phải đổi ngược trở lại USD trước khi về nước là ba lần mất phí chuyển đổi.

“Vấn đề cốt lõi ở đây là người tiêu dùng nói chung vẫn giữ tâm lý sử dụng tiền mặt. Họ chưa tạo được thói quen thanh toán bằng thẻ ngay ở trong nước chứ, chứ chưa nói đến thanh toán qua thẻ ở nước ngoài”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mỗi ngân hàng có một mức phí riêng, nhưng nhìn chung là đủ để trang trải cho thẻ giao dịch của ngân hàng mình. Vấn đề chính ở đây là thói quen của người dân dùng thẻ thanh toán một cách phổ biến là chưa có. Tuy nhiên, ông Hiếu nêu quan điểm, mặc dù mức phí không phải là cao, nhưng ngân hàng nên hạ mức phí xuống, cũng như hạn chế tối đa các loại phí. Đồng thời, thủ tục đăng ký cấp thẻ dễ dàng hơn, nhưng không có nghĩa là nới lỏng chỉ tiêu về tín dụng một cách quá đáng để gây rủi ro cho ngân hàng. Bên cạnh đó, tiêu chí chấp thuận khách hàng cần mở rộng hơn để khuyến khích người dân sử dụng thẻ chi tiêu ở nước ngoài.

“Dần dần chúng ta sẽ tiến tới không cần đề ra hạn mức, người dân cũng chỉ mang theo một lượng ngoại tệ nhất định là vài trăm USD khi ra nước ngoài”, ông Thọ nói.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục