Thế chấp hàng tồn kho vay vốn: Ngân hàng dám mạo hiểm?

NQ13/CP về một số biện pháp cứu doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn, nhất là về thuế đã được ban hành. Nhiều chuyên gia kinh tế hướng đến giải pháp để DN thế chấp hàng tồn kho vay vốn mới.
Thế chấp hàng tồn kho vay vốn: Ngân hàng dám mạo hiểm?

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc áp trần lãi suất cho vay hiện tại vẫn được xem là một biện pháp cần thiết nhưng với nhiều người thì chính sách này chưa đủ. Nhiều DN tìm đến ngân hàng để vay vốn nhưng bị từ chối với nhiều lý do, trong đó trở ngại lớn nhất đối với DN vừa và nhỏ là phải chứng minh được năng lực tài chính, các khoản thanh toán qua ngân hàng một cách minh bạch, chưa kể phải có tài sản thế chấp,...

 

DN vẫn khó vay vốn vì tài sản thế chấp

 

Anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc một DN vừa và nhỏ chuyên kinh doanh thiết bị cơ khí nông nghiệp (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi thông tin áp dụng trần lãi suất cho vay 15%/năm công bố, nhận thấy công ty đáp ứng được các điều kiện nhưng khi đến ngân hàng, anh Tuấn thất vọng ra về bởi không đáp ứng được tài sản thế chấp. "Công ty đang cần 2 tỉ đồng vốn lưu động nhưng không đáp ứng được các tài sản về thế chấp, thậm chí còn phải vay ở mức 18%/năm. Ngân hàng quy định mức trần lãi suất cho vay 15% nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được, đặc biệt là DN vừa và nhỏ". Anh Tuấn chia sẻ.

 

Là một trong những DN vùa và nhỏ được xét cho vay vốn, nhưng ông Lương Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Phong Phú cho biết, so với mức 18-19%/năm trước đây thì mức hiện tại dễ thở hơn nhưng thủ tục hồ sơ thì ngân hàng thẩm định rất kĩ.

 

Ông Tuấn nói: "Ngân hàng thường xem xét tài sản thế chấp, nhưng phấn lớn các DN hiện tại có bao nhiêu tài sản đã thế chấp trước đó. Tài sản bây giờ có còn chắc chỉ là hàng tồn kho chưa bán được".

 

Thế chấp hàng tồn kho vay vốn: Ngân hàng dám mạo hiểm? ảnh 1

Nhiều chuyên gia kinh tế hướng đến giải pháp để DN thế chấp hàng tồn kho vay vốn mới.

 

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Hà Nội cho biết, dù đã có quy định nhưng ngân hàng khó áp dụng vì tiêu chí đưa ra quá chung chung. "97% DN tại VN là DN vừa va nhỏ, Ngân hàng Nhà nước lại không quy định cụ thể, vì thế dẫn đến tình trạng mỗi ngân hàng đưa ra quy định khác nhau, tuỳ vào từng đối tượng cho vay". Lãnh đạo này cho hay.

 

Có một thực tế rất nhiều DN đang gặp khó khăn không chỉ về vốn, lãi suất cao mà quan trọng là tiêu thụ hàng hoá chậm do sức mua thấp của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tính đến tháng 4 đã tăng hơn 32% trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 3,5% so với cùng kì năm ngoái.

 

Thế chấp hàng tồn kho có trái luật?

 

Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Kiến Thành, muốn giải phóng được hàng tồn kho và tăng sức mua thì Chính phủ nên miễn hẳn thuế Giá trị gia tăng để DN hạ được giá thành, thanh toán hàng tồn kho để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, hàng tồn kho chính là tài sản của DN nên ngân hàng nên xem đó là tài sản thế chấp vay vốn mới cho DN.

 

Đồng tình quan điểm nay, chuyên gia ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay ngoài những giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ vừa ban hành theo Nghị quyết 13, thêm vào đó áp chênh lệch lãi suất 3% so với huy động mới chỉ giải quyết một phần khó khăn cua DN.

 

Ông Hiếu nhấn mạnh: "Điều cốt lõi là vấn đề giải phóng hàng tồn kho. Trong hoàn cảnh DN khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, bao nhiêu khoản vay cũ vẫn chưa "tháo gỡ" được thì làm sao có thể đủ điều kiện vay vốn mới. Hàng tồn kho chính là tài sản của DN, nếu Ngân hàng Nhà nước linh hoạt có biện pháp nào đó xử lý thủ tục liên quan đến hàng tồn kho, tạo điều kiện thế chấp sẽ hỗ trợ được cho DN". Ông Hiếu nói.

 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, để giải pháp này có hiệu quả khi áp dụng thực tế thì đòi hỏi ngân hàng và DN cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ lợi ích.

 

Ông Hiếu cho biết, với phương án này cũng có nhiều rủi ro cho ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần kiểm soát được hàng tồn kho, kiểm soát được dòng tiền từ hàng tồn kho chảy về ngân hàng hợp lý. Mặt khác, giá trị hàng tồn kho thường thấp hơn thị trường, thông thường định giá chênh lệch với thực tế thị trường khoảng 30%, hàng hoá tồn kho đó phải đảm bảo giá trị lâu dài, chẳng hạn như lĩnh vực xây dựng, dệt may, vật liệu xây dựng... Ngoài ra, các loại hàng hoá tồn kho đòi hỏi có tính thanh khoản cao, ngân hàng nên đưa ra cho DN về chi tiết hàng hoá, kiểm soát kho hàng, chất lượng sản phẩm để tính toán tỉ lệ thích hợp và giải ngân vốn.

 

Theo số liệu của một số hiệp hội, ngành hàng thì tính đến hết tháng 4 lượng hàng tồn kho đã tăng mạnh. Cụ thể, lượng tồn kho của thép tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước. Nganh xi măng sản xuất được hơn 12 triệu tấn nhưng hơn 2 triệu tấn sản phẩm tồn kho. Gốm sứ xây dựng, lượng tồn kho gạch ốp lát đã vượt trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng.


VEF

Tin cùng chuyên mục