Thắt tín dụng, ngân hàng vẫn kỳ vọng nguồn thu từ lãi

(ĐTCK) Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước, đồng thời thách thức đối với hoạt động cho vay còn rất lớn, nhưng nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn được các nhà băng lớn kỳ vọng từ tín dụng.
Thắt tín dụng, ngân hàng vẫn kỳ vọng nguồn thu từ lãi

Trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động cho vay vẫn đóng góp chính vào lợi nhuận của các nhà băng hiện nay. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Á Châu (ACB) lợi nhuận năm 2011 của Ngân hàng đạt khoảng 4.219 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ năm trước, hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2011. Chỉ số sinh lợi trên vốn (ROE: 40%) tăng 4,3% so năm trước. Nguyên nhân chính do ACB đã khá thành công trong việc quản lý biên sinh lợi từ lãi, lãi suất cho vay và huy động được điều hành linh hoạt, bám sát thị trường nhưng vẫn giữ được biên sinh lời khá cao.

Thắt tín dụng, ngân hàng vẫn kỳ vọng nguồn thu từ lãi ảnh 1Tín dụng vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng Việt Nam

Năm 2012, kinh tế thế giới dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2012 về cơ bản là thắt chặt ít nhất đến tháng 6/2012. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn năm 2011 và khả năng trả nợ của khách hàng có thể tiếp tục suy giảm. Do đó, tín dụng sẽ khó có điều kiện để tăng trưởng, nhất là về hiệu quả.

Nhưng ACB cho biết, Ngân hàng vẫn chấp nhận rủi ro trên cơ sở nâng cao năng lực quản trị, chớp thời cơ ngắn hạn. Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2012 của ACB sẽ được HĐQT trình cổ đông trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên ngày 30/3 tới là tương đối cao. Tuy nhiên, lãnh đạo ACB cho rằng, Ngân hàng có cơ sở và có khả năng thực hiện được. Cụ thể, các chỉ tiêu mà ACB đưa ra là: tổng tài sản tăng 35 - 40% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng 17% và có thể hơn nếu được sự cho phép của NHNN; lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng; nợ từ nhóm 2 trở lên được kiểm soát ở mức 2%, nợ nhóm 3 trở lên được kiểm soát không vượt quá 1%.

Để có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2012, ACB cho biết, Ngân hàng sẽ ưu tiên đẩy mạnh huy động để củng cố khả năng thanh khoản và tạo nguồn cho hoạt động tín dụng, đồng thời tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn. Theo ACB, nếu chỉ dựa vào tăng trưởng tiền gửi, Ngân hàng sẽ khó đảm bảo đủ nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản đồng thời đáp ứng các nhu cầu cho vay trong bối cảnh trần lãi suất huy động tiếp tục bị khống chế. Trong hoạt động cho vay ở năm 2012, ACB sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ, tập trung vốn cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khối khách hàng cá nhân.

Đại diện của Ngân hàng Ngoại tương (VCB) cũng cho biết, năm 2012, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, tăng khoảng 18% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt mức 17% như chỉ tiêu nhận được. Trong đó, VCB xác định sẽ ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và thể nhân. Đồng thời, Ngân hàng sẽ chú ý đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. VCB sẽ khống chế nợ xấu dưới tỷ lệ 2,8% và đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. VCB sẽ trình ĐHCĐ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.590 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011; tỷ lệ cổ tức tối thiểu 12%. 

Còn theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được trong năm nay là 15% đủ để Ngân hàng phát triển cũng như xây dựng các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra cho năm 2012. DongA Bank đang hướng tới chỉ tiêu 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2012 (tăng khoảng 20% so với năm trước).

“Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi luôn đa dạng các nguồn thu, nhưng tín dụng luôn được xem là chủ lực”, ông Bình nói và cho biết, trong điều kiện nền kinh tế còn thách thức, hoạt động của ngành nói chung và DongA Bank nói riêng cũng không tránh khỏi khó khăn. Vì thế, trong chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ 15% được giao, DongA Bank sẽ giữ lại khoảng 2 – 3% để dự phòng.

So với năm trước, hoạt động của ngành ngân hàng năm nay được đánh giá còn nhiều thách thức, nhất là khi chính sách tín dụng còn thắt chặt. Nhưng với các ngân hàng đã có thế mạnh về hoạt động cho vay cũng như huy động vốn và biết nắm bắt cơ hội thì lợi nhuận thu về vẫn có thể cao và chủ yếu đến từ lãi cho vay.

Thùy Vinh  Tín dụng vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng Việt Nam

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục