Thách thức mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng

(ĐTCK) Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm, nhưng khó giảm sâu, do còn rất nhiều rào cản.
Thách thức mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng

Dư địa giảm lãi suất cho vay: 1-2%/năm

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lãi suất cho vay phổ biến hiện vẫn còn rất cao. Với mức lãi suất như vậy, TS. Lịch cho rằng, sẽ không kích thích được doanh nghiệp đang có thị trường tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh và làm tăng nợ xấu đối với doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi sản xuất… Ông Lịch thừa nhận, cái khó nhất hiện nay chính là vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa phải từng bước kéo giảm lãi suất.

TS. Lịch cho biết, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2.700.000 tỷ đồng, với lãi suất 15%/năm thì doanh nghiệp, nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng gần 20 tỷ USD, tức là bằng 1/6 GDP. Mức lãi suất này, theo TS. Lịch, không một nền kinh tế nào chịu nổi. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực kéo giảm lãi suất, nhưng dư địa giảm chỉ còn khoảng 1%/năm đối với trần lãi suất huy động và từ 1- 2%/năm đối với lãi suất cho vay, TS. Lịch nhận định.

Cùng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức kỳ vọng 7 – 8% thì lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ có thể giảm thêm 1%/năm. Với trần lãi suất huy động như vậy, theo TS Nghĩa cho rằng, lãi suất đối với khoản vay tài trợ mua nhà kỳ hạn dài thấp nhất có thể về 8 - 10%/năm trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản, khơi thông dòng tín dụng.

Thách thức mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng ảnh 1

Với lạm phát kỳ vọng 7 - 8%, trần lãi suất huy động chỉ có thể giảm 1%/năm

 

Nhiều rào cản

“Rào cản lớn trong việc cắt giảm lãi suất hiện nay chính là nợ xấu tăng cao, khiến các NHTM phải trích lập dự phòng nhiều, chi phí vốn lớn. Việc giảm lãi suất chưa thể đòi hỏi phải có thời gian, chứ chưa thể thực hiện ngay được”, TS. Lịch nói.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, để hỗ trợ thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán hồi phục, về nguyên tắc, phải cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, để đề phòng lạm phát bùng phát trở lại, cần duy trì lãi suất đủ cao để khống chế cầu.

Trên thực tế, cầu tiêu dùng và đầu tư hiện đang rất thấp, doanh số bán lẻ tăng rất chậm, ngay cả khi hạ lãi suất thêm nữa thì trong ngắn hạn cũng khó có khả năng kích thích tăng tổng cầu. Trong khi nhiều ngân hàng lớn thừa vốn, thì một số ngân hàng nhỏ lại gặp khó khăn về thanh khoản. Khó khăn thanh khoản chủ yếu là cho vay không thu hồi được vốn, nghĩa là nợ xấu lớn và đang cản trở tăng trưởng tín dụng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, để phục hồi đà tăng trưởng ngoài việc giảm lãi suất còn cần tính đến khả năng xử lý nợ xấu vốn đang cản trở dòng chảy của tín dụng ngân hàng vào nền kinh tế.

Nhưng chỉ xử lý nợ xấu đơn thuần trong ngắn hạn không thể làm tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho những doanh nghiệp có nợ xấu hoặc có lịch sử tín dụng với tín nhiệm thấp. Do đó, TS. Nghĩa đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh để doanh nghiệp loại này có thể tiếp cận vốn trong trường hợp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư có hiệu quả.

“NHNN không muốn tiếp tục sử dụng công cụ trần hoặc sàn lãi suất và cũng muốn đảm bảo lộ trình tự do hóa lãi suất. Việc có tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2013 hay không phải tùy thuộc vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô”, TS Nghĩa nói và cho biết, nếu có hạ lãi suất xuống tiếp, dư địa để hạ không còn quá lớn, tối đa khoảng 1-2%/năm.

Nhận xét về các chương trình mà Chính phủ đã thực thi trong thời gian qua, nhất là đối với vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu TTCK, ông Nghĩa cho rằng, tái cơ cấu thống ngân hàng thời gian qua đã có những kết quả khả quan và về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã ổn định, thanh khoản không còn là nguy cơ lớn.

“Việt Nam hiện đã qua nguy cơ lớn về khủng hoảng ngân hàng khi thanh khoản đã được cũng cố, lòng tin người gửi tiền được củng cố. Nợ xấu từng bước khắc phục và sẽ được xử lý dứt điểm trong vài năm tới. Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam chưa thực sự rơi vào khủng hoảng, khả năng phục hồi rất lớn”, ông Nghĩa nói.

Đối với việc xử lý nợ xấu, ông Nghĩa cho rằng, hiện chủ yếu dựa vào nguồn lực của các NHTM. Những ngân hàng nhỏ, nợ xấu lớn, phải trích lập dự phòng rủi ro cho tài sản tài chính, thay thế nợ xấu đã được hạch toán ngoại bảng có thể  bị buộc phải sáp nhập hoặc mua lại trong thời gian tới.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục