Tăng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, có rủi ro?

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tuy phần lớn nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, nhưng độ ổn định của vốn huy động trong hệ thống ngân hàng liên tục tăng lên, nên có thể xem đây là một loại tiền gửi trung, dài hạn, để các NHTM có thể cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Đánh giá của ông về Thông tư 36/2014 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, đặc biệt là quy định cho phép các NHTM được nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên gấp đôi so với trước kia, từ 30% lên 60%?

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Nhưng thị trường vốn của chúng ta đang còn trong giai đoạn phôi thai, còn nhiều khó khăn và chưa thực hiện được chức năng là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, hệ thống NHTM đang phải gánh chức năng này, trong khi đúng ra vai trò của họ là phục vụ các dòng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế.

Đó chính là mâu thuẫn trong thị trường tài chính Việt Nam. Vì vậy, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong mười mấy năm trở lại đây luôn xoay quanh mục tiêu xử lý mâu thuẫn đặc trưng trong hoạt động của hệ thống NHTM là huy động vốn ngắn hạn, nhưng phải đáp ứng vốn cho vay trung, dài hạn của nền kinh tế. Từ đó, đặt ra vấn đề là cho phép NHTM được sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là bao nhiêu. Mục đích của quy định này suy cho cùng là để đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế vừa phải đảm bảo thanh khoản của các NHTM. 

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên quá cao sẽ khó tránh được rủi ro thanh khoản của các NHTM trong tương lai, thưa ông?

Nguồn vốn huy động của các NHTM hiện nay chiếm tỷ trọng lớn là ngắn hạn, tỷ lệ huy động vốn trung, dài hạn thấp. Tuy nhiên, độ ổn định của vốn huy động trong hệ thống ngân hàng liên tục tăng lên trong thời gian qua.

Chính vì vậy, nguồn vốn này nếu xem xét ở một góc độ nào đó thì lại là một loại tiền gửi trung, dài hạn, nếu hệ thống NHTM sử dụng các công cụ trên thị trường tiền tệ, để có thể đưa ra sản phẩm cơ cấu lại các dòng vốn này.

Điều này cũng gợi ý cho việc, tuy huy động vốn ngắn hạn, nhưng chúng ta cũng có thể tăng cường tỷ lệ cho vay trung, dài hạn, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Có thể, phân tích ở nhiều góc độ khác nhau thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có rủi ro về thanh khoản khi tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Đương nhiên, ở góc độ quản trị thanh khoản của thị trường tài chính thì đó cũng là điều mà chúng ta cần quan tâm. Nhưng trong điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay, độ rủi ro đó là có, song chỉ ở mức độ nhất định nào đó và chúng ta vẫn có đầy đủ các công cụ để xử lý việc mất chênh lệch giữa huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 36.

Việc giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150% sẽ tác động ra sao đến thị trường bất động sản, theo ông?

Với việc hạ hệ số rủi ro đối với tín dụng bất động sản từ 250% xuống còn 150% cho thấy, rủi ro đối với tín dụng lĩnh vực này đã giảm. Thực tế, giá bất động sản trong thời gian qua đã giảm khá mạnh, xuống mức thấp trong vòng 5 năm qua. Mức độ giảm ở mỗi phân khúc khác nhau, nhưng nói chung giá bất động sản đã xuống mức thấp.

Tất nhiên, rủi ro đối với tín dụng bất động sản là luôn có, song hiện tại, rủi ro thấp hơn so với trước, nên tỷ lệ dự trù mức rủi ro trong phân loại nợ đối với bất động sản cũng thấp xuống. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường bất động sản đã giảm mạnh thời gian qua và Nhà nước đang khuyến khích thị trường này phát triển một cách lành mạnh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhu cầu luân chuyển lượng tài sản lớn trong bất động sản.

Vì thế, không chỉ với việc giảm hệ số rủi ro đối với tín dụng bất động sản, mà bên cạnh đó, việc cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở cũng là một trong những giải pháp tạo dòng vốn mới từ bên ngoài vào thị trường bất động sản trong nước. 

Còn ảnh hưởng với TTCK ra sao khi tín dụng đối với lĩnh vực này được cho là sẽ siết lại sau khi Thông tư 36/2014 có hiệu lực vào ngày 1/2/2015?

Trước đây, các NHTM được phép cho vay lĩnh vực chứng khoán tối đa không được vượt quá 20% vốn điều lệ. Còn theo quy định của Thông tư 36, các NHTM không được phép cho vay đầu tư cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, nội hàm của khái niệm chứng khoán rộng hơn so với khái niệm cổ phiếu.

Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, để hệ thống hoạt động lành mạnh hơn, thì quy định chặt chẽ điều kiện cho vay, trong đó có quy định các ngân hàng có nợ xấu trên 3% tổng dư nợ không được cho vay đầu tư cổ phiếu… là điều cần thiết.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục