Tăng vốn điều lệ: Thách thức lớn của ngân hàng nhỏ

(ĐTCK-online) Theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các ngân hàng phải thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng chậm nhất vào ngày 31/12/2010. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 còn khoảng 15 ngân hàng chưa đủ số vốn điều lệ tối thiểu này.
Hiện có khoảng 10 ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2011 Hiện có khoảng 10 ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2011

 Do vậy, Nghị định 10/2011/NĐ-CP đã cho phép các ngân hàng được dời thời hạn hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng chậm nhất vào ngày 31/12/2011. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm 2011 không quá 20%, sẽ là một thách thức không nhỏ đối với những ngân hàng chưa đạt vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Ước tính, hiện có khoảng 10 ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2011.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP nhỏ cho biết, việc siết chặt tín dụng tăng không quá 20% đã làm thay đổi kế hoạch kinh doanh cả năm 2011 được đề ra từ cuối năm 2010. Trong khi các ngân hàng nhỏ đang phải chạy đua với thời gian để phát triển thì việc giảm tăng trưởng tín dụng và từ đó giảm mạnh lợi nhuận là vấn đề không nhỏ trong cuộc đua với các ngân hàng có tiềm lực. "Thuyết phục các cổ đông chiến lược chấp nhận tăng trưởng thấp mà vẫn rót tiền đầu tư vào ngân hàng là điều không dễ dàng trong kế hoạch tăng vốn điều lệ", vị lãnh đạo trên than thở.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là dù muốn góp vốn nhưng hiện nhiều cổ đông cũng rất khó khăn để có thể "bơm" tiền với số lượng lớn vào ngân hàng trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, TTCK "lình xình" cả năm 2010, đến nay đã gần hết quý I/2011 vẫn chưa thấy khởi sắc. Cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt trên thị trường OTC, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã xuống dưới mệnh giá. Đồng thời, Thông tư 13 và Thông tư 19 quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng được áp dụng triệt để đã "bó tay" NHTM rất nhiều trong hoạt động kinh doanh. Điều này cũng khiến nhiều cổ đông chiến lược của các ngân hàng chán nản.

Trên thực tế, khi Thông tư 13 và 19 tăng hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% lên 9% và quy định hệ số rủi ro cho một số khoản cho vay chứng khoán lên đến 250%, đồng nghĩa với việc buộc các ngân hàng cả lớn lẫn nhỏ phải tăng vốn điều lệ lên một mức đáng kể nếu muốn duy trì hoạt động tín dụng ở mức hiện hữu chứ chưa nói đến việc tăng trưởng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NHNN nên quản lý theo cách lấy CAR làm chuẩn. CAR hiện 9%, nghĩa là 9% vốn tự có so với tổng tài sản có rủi ro. Vậy ngân hàng nào không đảm bảo đủ chỉ tiêu đó sẽ phải tăng vốn cho đủ. Nếu không tăng đủ thì phải kéo tổng tài sản xuống, đồng nghĩa với việc hạn chế cho vay, hạn chế huy động để đảm bảo đủ vốn.

"Đó là cách quản lý ngân hàng của các nước tiên tiến trên thế giới. Không thể cứ mở rộng tín dụng, mở rộng cho vay trong khi vốn của ngân hàng chỉ có một chút", TS. Nghĩa nói. Tuy nhiên, cách giải quyết này chưa đáp ứng đầy đủ quy định của NHNN là phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, đồng thời bảo đảm CAR 9%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ủy viên thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình, có lẽ nhiều ngân hàng TMCP nhỏ sẽ phải tìm đến giải pháp sáp nhập như một lối thoát cuối cùng. Các ngân hàng có vốn nhỏ, quy mô hoạt động nhỏ, chỉ có khả năng đáp ứng trong một thị phần nhất định mà tăng vốn lên gấp đôi trong một thời gian ngắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, bởi chưa sẵn sàng hoạt động với quy mô lớn.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng: "Với việc sáp nhập, các cổ đông sẽ phải chấp nhận việc giảm thiểu quyền tự chủ đối với ngân hàng của mình. Đặc biệt, để tránh 'đồng sàng dị mộng', các ngân hàng nên điều tra cặn kẽ về nhau: tương lai, mục tiêu, chiến lược kinh doanh, khách hàng, địa bàn hoạt động… Tất cả nhằm hướng tới sự ổn định và phát triển hài hòa, bảo đảm quyền lợi cho cổ đông của cả hai bên thì sự sáp nhập mới có cơ hội thành công".   

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục